Thiết bị gồm có hệ thống kiểm định DNA và hệ thống thiết bị kiểm định, phân tích saponin. Hệ thống thiết bị kiểm định DNA phân tích gen nhằm xác định về nguồn gốc các sản phẩm có đúng là sâm Ngọc Linh hay không. Việc phân tích DNA có hai phương pháp phân tích nhanh và phân tích chậm; trong đó phân tích chậm mất khoảng 2 ngày; phân tích nhanh chỉ từ 4 - 5 giờ. Phân tích thành phần hợp chất Saponin (một loại đặc trưng của sâm Ngọc Linh) để xác định hàm lượng có bao nhiêu phần trăm và có những thành phần hoạt chất nào.
Theo ông Chu Đình Liệu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu - Ứng dụng và Dịch vụ Khoa học - Công nghệ tỉnh Kon Tum, phương pháp phân tích nhanh đòi hỏi cán bộ kỹ thuật phải thuần thục và có nhiều kinh nghiệm. Với phân tích chậm, thời gian tuy lâu nhưng độ chính xác sẽ cao hơn. Mỗi loại sâm có đặc trưng gen riêng, đơn vị sẽ xây dựng chỉ thị phân tử của mỗi loại sâm. Căn cứ vào chỉ thị phân tử để phân biệt các loại sâm, đặc biệt là phần sâm Ngọc Linh với các giống khác. Hai hệ thống thiết bị này được tỉnh Kon Tum đầu tư với mục tiêu bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Thời gian qua, việc kiểm định sâm Ngọc Linh chủ yếu bằng kinh nghiệm. Việc này là không khoa học, không đảm bảo tính pháp lý. Trước thực trạng trên, tỉnh Kon Tum đã đầu tư 13 tỷ đồng mua thiết bị về phân tích sâm Ngọc Linh thật, giả. Sau 1 tháng đi vào vận hành, đến nay, các chuyên viên kỹ thuật của Trung tâm Nghiên cứu - Ứng dụng và Dịch vụ Khoa học - Công nghệ tỉnh Kon Tum đã làm chủ công nghệ, làm chủ quy trình phân tích... đáp ứng tiêu chuẩn của phòng thử nghiệm theo quy định.
Toàn tỉnh Kon Tum hiện trồng hơn 1.800 ha sâm Ngọc Linh ở hai huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei. Thời gian qua, một số doanh nghiệp, cá nhân đã lợi dụng thương hiệu Quốc bảo sâm Ngọc Linh để trục lợi. Một số loại sâm giống Ngọc Linh ở Trung Quốc, sâm Lai Châu có hình thức rất giống sâm Ngọc Linh, người tiêu dùng rất khó phân biệt. Việc đưa hệ thống thiết bị trên vào hoạt động góp phần giải quyết được vấn đề này.