Câu nói cửa miệng mà các cửa hàng hay dành cho khách tới mua là "sẽ được phục vụ tận tình, chuyên nghiệp" hoặc "khách hàng là thượng đế". Tuy nhiên, không ít khách hàng giờ đây lại chỉ muốn một "ước mơ" giản đơn: Mua hàng bảo đảm sức khỏe.
Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố Hà Nội đã kiểm tra VSATTP một số mặt hàng nước ép trái cây, các loại bánh kẹo trong nước và nhập khẩu tại siêu thị. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN |
Theo Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Nguyễn Mạnh Hùng, những điều mà người tiêu dùng quan tâm và lo lắng hiện nay là vệ sinh an toàn thực phẩm; giá tăng hay giảm có liên quan thế nào tới chất lượng; nạn hàng giả, hàng nhái xuất hiện trong siêu thị.
Kiểm soát tốt hệ thống cung cấp
Hội thảo "Hệ thống bán lẻ hiện đại Hà Nội hướng tới bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng (NTD) do Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 29/6 ở Hà Nội đã thu hút sự tham gia của khá nhiều đại biểu, doanh nghiệp. Nội dung được quan tâm là quyền lợi NTD sẽ được đảm bảo ra sao; cơ quan quản lý nhà nước, nhà sản xuất và phân phối bán lẻ, các siêu thị đã thực sự vào cuộc thế nào, khi từ ngày 1/7, Luật Bảo vệ quyền lợi NTD và Luật An toàn thực phẩm (ATTP) chính thức có hiệu lực.
Đánh giá sơ bộ về hệ thống bán lẻ hiện đại Hà Nội hiện nay, TS. Phạm Hữu Thìn (Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương) cho biết: Thời gian qua, sự phát triển của các loại hình tổ chức bán lẻ hiện đại, nhất là các đại siêu thị, cửa hàng hội viên dạng nhà kho (như Metro cash& carry) với các hệ thống cung cấp thực phẩm tươi sống và đông lạnh hiện đại đã góp phần hạn chế sự phát triển của chợ cóc, chợ tạm, gánh hàng rong... Và, việc tiêu chuẩn hóa trong hoạt động tạo nguồn và bán hàng của bản thân loại hình tổ chức bán lẻ hiện đại đã làm cho việc thực thi các quy định phát luật về chống hàng nhập lậu, kinh doanh hàng giả, đặc biệt quản lý chất lượng, vệ sinh ATTP... ngày càng hiệu quả hơn.
Trao đổi với báo giới về vấn đề này, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Đức Việt, ông Hứa Xuân Sinh nói: "Chúng tôi sẽ tiếp tục siết chặt và kiểm soát hệ thống bán hàng, tránh đầu tư tràn lan, không hiệu quả. Đức Việt rất chú trọng tới công tác vệ sinh ATTP. Thực hiện tốt Luật ATTP đồng nghĩa với việc quyền lợi NTD cũng sẽ được bảo vệ.
Theo Phó Tổng giám đốc siêu thị Big C Thăng Long Nguyễn Thái Dũng, Big C đặc biệt chú trọng tới việc tìm kiếm những nhà cung cấp, sản xuất hàng hóa để đảm bảo phục vụ khách hàng tốt nhất mà giá cả lại hợp lý. Trong bối cảnh giá cả biến động như hiện nay, Big C đã từng từ chối một số nhà sản xuất khi họ đề nghị điều chỉnh giá bán hàng tăng bất hợp lý.
Bảo vệ người tiêu dùng để phát triển bền vững
Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú nhấn mạnh: Muốn phát triển bền vững, các siêu thị cần đặc biệt chú trọng đến bảo vệ quyền lợi của NTD. Với khoảng 400 siêu thị nằm ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước, chiếm khoảng 18 - 20% thị phần bán lẻ, tương lai của kênh kinh doanh thương mại văn minh này vô cùng sáng sủa. Do vậy, các chuyên gia kinh tế dự đoán: khoảng 10 năm nữa, tức là đến năm 2020, siêu thị sẽ chiếm lĩnh khoảng 35- 40% thị phần bán lẻ ở Việt Nam.
Đại diện Hội siêu thị Hà Nội nhận xét: Nhiều năm qua, các siêu thị trên cả nước đã có nhiều nỗ lực trong việc kinh doanh và phục vụ khách hàng, góp phần đáng kể vào công tác bảo vệ NTD. Song, các đơn vị này không được chủ quan và tự mãn với những gì đã đạt được, phải phấn đấu để khắc phục một số nhược điểm đang tồn tại như: NTD còn phàn nàn về chất lượng một số loại hàng hóa kinh doanh trong siêu thị; đầu vào hàng hóa của siêu thị chưa ổn định; chuỗi sản xuất phân phối, bán lẻ còn rời rạc, tốn chi phí, góp phần đẩy giá lên cao, ảnh hưởng tới NTD...
"Chúng tôi kiến nghị cần phải có một cuộc tổng điều tra, rà soát chấn chỉnh hoạt động của các siêu thị trên từng địa bàn, nhằm bảo vệ những siêu thị đạt tiêu chuẩn. Mục đích cuối cùng là bảo vệ quyền lợi chính đáng của NTD", ông Phú nói.
Hoàng Cao Cường