Tuy nhiên, trong văn bản trên, Cục Điều tiết điện lực cho rằng, EVN với vai trò là đơn vị mua điện trong thị trường điện, phải có trách nhiệm đàm phán, thỏa thuận với đơn vị phát điện tham gia thị trường điện để thống nhất cả về giá và sản lượng hợp đồng, quy định tại hợp đồng mua bán điện theo mẫu quy định tại thông tư số 57 của Bộ trưởng Bộ Công Thương.
Cục Điều tiết Điện lực cho biết, về cơ sở pháp lý để đơn vị phát điện năng lượng tái tạo tham gia thị trường điện là theo quy định tại khoản 2 điều 4, Thông tư số 45, các nhà máy điện sử dụng năng lượng tái tạo (không phải thủy điện) có công suất đặt lớn hơn 30 MW được quyền lựa chọn tham gia thị trường điện.
Các điều kiện cơ bản để nhà máy điện được vận hành trong hệ thống điện quốc gia bao gồm: Có giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực phát điện; có văn bản công nhận ngày vận hành thương mại của nhà máy điện; hoàn thành nghiệm thu và đưa vào vận hành các hệ thống phục vụ vận hành hệ thống điện (SCADA/EMS, hệ thống đo đếm điện năng, AGC...) và các quy định khác có liên quan.
Theo Cục Điều tiết Điện lực, trường hợp đơn vị phát điện có nhu cầu tham gia thị trường điện, theo quy định của Thông tư số 24/2019/TT-BCT về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 45/2018/TT-BCT ngày 15/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh và sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 56/2014/TT-BCT ngày 19/12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định phương pháp xác định giá phát điện, trình tự kiểm tra hợp đồng mua bán điện, nhà máy điện phải đáp ứng thêm các yêu cầu là hoàn thành nghiệm thu đưa vào vận hành các hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin thị trường điện, đồng thời hoàn thành ký hợp đồng mua bán điện để đáp ứng việc thanh toán theo các quy định về vận hành thị trường điện.
Theo chia sẻ của một đại diện EVN, tập đoàn này đề nghị không giao tập đoàn đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện với các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp là vì nếu thực hiện cơ chế đàm phán giá trực tiếp đối với các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp thì thời gian đàm phán sẽ kéo dài.
Các dự án năng lượng tái tạo, dù quy mô công suất nhỏ, nhưng trình tự và các bước thực hiện giống như các dự án năng lượng truyền thống. Hiện nay các quốc gia trên thế giới cũng chưa áp dụng cơ chế đàm phán giá trực tiếp đối với các dự án điện gió, điện mặt trời sau khi kết thúc giai đoạn áp dụng giá FIT.
Về mặt pháp lý, Hợp đồng mua bán điện được EVN ký kết với các chủ đầu tư là các Hợp đồng mẫu do Bộ Công Thương ban hành căn cứ theo Luật Dân sự năm 2015, Luật Thương mại năm 2005 và Luật Điện lực năm 2004; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực ngày 20 tháng 11 năm 2012. Việc hủy bỏ hoặc sửa đổi các Hợp đồng này phải phù hợp với quy định của Hợp đồng và các bộ luật nêu trên.
Cơ chế giá điện chính thức áp dụng cho đối tượng chuyển tiếp chưa được ban hành từ 1/11/2020 đến nay đối với điện gió, từ 1/1/2021 đến nay đối với điện mặt trời. Trong giai đoạn chờ cơ chế giá điện chính thức được ban hành, EVN đã có văn bản đề nghị Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ cho phép các nhà máy điện trên sau khi hoàn thành công trình đưa vào sử dụng theo đúng quy định của pháp luật được phép tham gia thị trường điện và được thanh toán theo giá của thị trường điện giao ngay trong giai đoạn chờ Chính phủ có cơ chế chính thức.
Về mặt pháp lý, cơ chế này phù hợp với Luật Điện lực và quy định tại Quyết định 13/2020 của Thủ tướng Chính phủ ngày 6.4.2020 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời và quyết định 39/QĐ-TTg về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29.6.2011 về cơ chế khuyến khích điện gió tại Việt Nam. "Giải pháp này đáp ứng ngay nhu cầu của hệ thống khi giá nhiên liệu như than nhập, than trộn và khí thiên nhiên tăng cao", đại diện EVN khẳng định.