Biểu tượng Cơ quan ngân hàng châu Âu (EBA) tại trụ sở ở London, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN |
Khoảng 48 ngân hàng, chiếm 70% tài sản của toàn bộ hệ thống, sẽ phải hoàn thành cuộc sát hạch diễn ra với sự hỗ trợ kỹ thuật của cơ quan giám sát cao nhất của Khu vực sử dụng đồng euro là Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Các ngân hàng sẽ được sát hạch trước bốn rủi ro mà các cơ quan quản lý đã xác định là nguy hiểm nhất đối với sự ổn định tài chính ở châu Âu.
Rủi ro lớn nhất là "cú sốc lòng tin", khi bất ổn chính trị khiến các nhà đầu tư tài chính tăng mạnh "chi phí rủi ro" khi cho vay tiền.
Các cuộc sát hạch khác sẽ cho thấy tác động của những nghi ngờ về sự ổn định nợ doanh nghiệp và chính phủ và những rủi ro đối với toàn bộ lĩnh vực tài chính do thiếu thanh khoản trong mạng lưới tài chính phi ngân hàng, bao gồm các công ty đầu tư, bảo hiểm và các công ty khác.
Trong kịch bản tồi tệ nhất, EBA sẽ giả định về những ảnh hưởng của một cuộc suy thoái kéo dài hai năm ở Liên minh châu Âu (EU), với kinh tế suy giảm 1,2% trong năm 2018 và 2,2% trong năm 2019, sau đó tăng trưởng ở mức thấp 0,7% vào năm 2020.
Bên cạnh sự suy giảm về kinh tế, EBA cũng lên kịch bản trong đó tỷ lệ thất nghiệp tăng 3,3 điểm phần trăm so với mức 8,7% vào tháng 11/2017 và giá bất động sản giảm 28% vào năm 2020.
Quy mô kinh tế EU sẽ giảm 8,3% trong những điều kiện như vậy, khiến cho cuộc sát hạch trở nên khắt khe nhất cho đến nay.
Những rủi ro kinh tế liên quan đến việc Anh ra khỏi EU cũng đã được đưa vào các cuộc sát hạch.
Sau ba cuộc sát hạch kể từ năm 2014, kết quả đợt sát hạch lần này sẽ được công bố vào tháng 11, thay vì là tháng 7 như trong cuộc sát hạch gần nhất vào năm 2016.
Các ngân hàng sẽ không phải thực hiện các yêu cầu về vốn để qua được cuộc sát hạch, nhưng kết quả sẽ được ECB sử dụng để đưa ra yêu cầu về vốn của các ngân hàng thuộc quyền giám sát.