Tăng trưởng (GDP) khu vực công nghiệp và xây dựng 9 tháng năm nay là 9,57%, cao gần gấp đôi mức tăng của cùng kỳ năm ngoái; trong khi, tăng trưởng của khu vực dịch vụ hầu như không tăng và của khu vực nông, lâm, ngư nghiệp giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 9 tháng năm nay cũng tăng 9,8%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu tăng trưởng khá nhất là xuất khẩu ngoài dầu và khu vực nước ngoài khi xuất khẩu của khu vực trong nước 9 tháng năm nay giảm 2,7%.
Báo cáo của UBGSTC cho hay: Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong 9 tháng năm nay có dấu hiệu tích cực giúp duy trì nguồn thu nội địa, bù đắp một phần tác động của giá dầu giảm. Tính đến ngày 15/9, thu nội địa tăng 17,5% so với cùng kỳ 2014, đạt 74,3% so với dự toán dù thu từ dầu chỉ đạt 53,3% dự toán và giảm 33,2% so với cùng kỳ 2014. Do tăng trưởng phục hồi tốt cũng khuyến khích tiêu dùng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng 9 tháng năm nay (loại trừ yếu tố giá), ước tăng 9,1% (cùng kỳ năm trước tăng 6,4%), mức cao nhất so với cùng kỳ trong 5 năm gần đây.
Liên quan tới nguồn ngân sách trong năm tới, đại diện UBGSTC dự báo năm 2016, cân đối ngân sách mặc dù được dự báo sẽ cải thiện hơn so với năm 2015 do hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục phục hồi và giá dầu tăng nhưng mức cải thiện là không lớn. Nguyên nhân do thu từ xuất nhập khẩu giảm khi Việt Nam thực hiện các cam kết cắt giảm thuế theo các Hiệp định thương mại đã ký kết và mức độ phục hồi của giá dầu thô sẽ không lớn trong năm 2016. Do đó, vấn đề quản lý nợ công sẽ tiếp tục là một thách thức trong năm 2016, nhất là trong bối cảnh phát hành trái phiếu Chính phủ đang gặp khó khăn. Do vậy, việc tăng cường phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa sẽ là đòi hỏi cần thiết trong năm 2016.