Chuyên gia Malaysia khuyến nghị Việt Nam cần tăng cường đổi mới sáng tạo

Trả lời phỏng vấn P/v TTXVN nhân dịp Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình dương (CPTPP) có hiệu lực tại Malaysia, Tiến sỹ Camerlo Ferlito, Giám đốc điều hành (CEO) Trung tâm Giáo dục thị trường (CME) cho rằng Việt Nam cần tăng cường đổi mới sáng tạo nhằm tận dụng khuôn khổ hợp tác CPTPP cũng như thúc đẩy giao thương, thâm nhập thị trường Malaysia.

Chú thích ảnh
Tiến sỹ Camerlo Ferlito, Giám đốc điều hành Trung tâm Giáo dục thị trường Malaysia. Ảnh: Mạnh Tuân/TTXVN

Ngày 29/9, Chính phủ Malaysia đã chính thức đệ trình văn kiện phê chuẩn CPTPP tới New Zealand, quốc gia đóng vai trò lưu chiều vào thời điểm hiện tại. Theo quy định, thỏa thuận thương mại tự do này sẽ chính thức có hiệu lực đối với Malaysia vào ngày 29/11 (60 ngày kể từ thời điểm đệ trình văn kiện phê chuẩn).

Giáo sư Kim Yeah Leng, giảng viên Đại học Sunway đánh giá việc CPTPP có hiệu lực đối với Malaysia đồng nghĩa các loại thuế quan và các hàng rào phi thuế quan được giảm thiểu, qua đó tăng khả năng tiếp cận thị trường và cơ hội cho các công ty toàn cầu sử dụng nền kinh tế Đông Nam Á này như một cửa ngõ cho cả hai khối thương mại. Ông chia sẻ, mặc dù tác động tích cực đối với thương mại và đầu tư có thể mất thời gian để xuất hiện, nhưng tác động ngay lập tức là sự gia tăng niềm tin của nhà đầu tư, được thúc đẩy bởi các nghiên cứu kinh tế chỉ ra rằng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Malaysia và các nước thành viên đều đạt được mức tăng ròng.

Đồng ý với nhận định này, Giáo sư Geoffrey Williams thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Malaysia nhấn mạnh, với tư cách là một nền kinh tế mở và có quy mô nhỏ, Malaysia phải hoàn toàn là một phần của bất kỳ thỏa thuận thương mại mới nổi nào, giúp bổ sung vào phạm vi xuất khẩu, nhất là khi Malaysia đang trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch COVID-19 và chuyển sang giai đoạn tăng trưởng mới.

Ủng hộ việc Malaysia phê chuẩn CPTPP, Tiến sỹ Ferlito cho biết ông hoan nghênh bất kỳ bước đi nào theo hướng tạo ra và mở rộng không gian cho thương mại tự do. Tuy nhiên, ông cũng mong muốn các hiệp định thương mại tự do cần đơn giản hóa hơn nữa theo hướng có thể được gọi là thương mại tự do thay vì các quy định dài hàng trăm trang giấy.

Về tác động của việc CPTPP chính thức có hiệu lực đối với Malaysia, ông chỉ ra nền kinh tế Đông Nam Á này sẽ chịu sự cạnh tranh gay gắt hơn từ các nền kinh tế thành viên của hiệp định. Đối với Việt Nam và Malaysia, Tiến sỹ Ferlito chỉ ra hai quốc gia ASEAN này cùng nhau tham gia nhiều khuôn khổ hợp tác đa phương trong đó có CPTPP và là đối thủ cạnh tranh trong nhiều lĩnh vực. Theo ông, trên cơ sở dữ liệu về kim ngạch thương mại, nhiều mặt hàng xuất khẩu chiến lược của Malaysia và Việt Nam giống nhau. Khi hàng rào thuế quan và phi thuế quan giữa các nước thành viên CPTPP được giảm thiểu, hai nước sẽ là đối thủ của nhau khi thâm nhập thị trường các nước thành viên tham gia hiệp định. Cùng với đó, cả hai nước cũng là đối thủ trên mặt trận thu hút vốn đầu tư nước ngoài khi có nhiều điểm tương đồng và thực hiện chính sách thân thiện với nhà đầu tư.

Theo Tiến sỹ Ferlito, trong bối cảnh thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang nỗ lực phục hồi kinh tế hậu đại dịch COVID-19 và ứng phó tác động của địa chính trị chiến lược, cách tốt nhất giúp Việt Nam vượt qua khó khăn là tăng cường các nỗ lực đổi mới và sáng tạo. Điều này sẽ giúp nền kinh tế nói chung cũng như sản phẩm, dịch vụ của Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh và xâm nhập các thị trường, trong đó có Malaysia.

Ông chỉ ra, Việt Nam có lợi thế về lực lượng lao động đông đảo và giá rẻ nhưng điều này cũng ảnh hưởng tới năng suất và hiệu quả cạnh tranh. CEO của CME khuyến nghị, bên cạnh sử dụng thị trường lao động giá rẻ, Việt Nam cần tăng cường cải tiến, đổi mới và sáng tạo, gia tăng hàm lượng chất xám và công nghệ tronng sản phẩm, từ đó tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ.

Để thúc đẩy quan hệ giao thương song phương, giúp hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường Malaysia, bên cạnh đổi mới sáng tạo trong sản xuất hàng hóa dịch vụ, Tiến sỹ Ferlito gợi ý hai nước nên tăng cường hợp tác trong ngành công nghiệp thực phẩm, trong đó Việt Nam có thể hỗ trợ quốc gia láng giềng trong đảm bảo an ninh lương thực. Với thế mạnh về sản xuất lúa gạo, Việt Nam là một trong những nguồn cung chính của mặt hàng thực phẩm thiết yếu này cho thị trường Malaysia và đây là lợi thế mở ra cho các sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm khác. Ngoài ra, ông cũng khuyến khích doanh nghiệp Malaysia đầu tư vốn, công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm tại Việt Nam để tái xuất khẩu vào chính Malaysia và các thị trường Hồi giáo khác.

Mạnh Tuân (TTXVN)
Tận dụng 'đòn bẩy' CPTPP, gia tăng xuất khẩu sang thị trường châu Mỹ
Tận dụng 'đòn bẩy' CPTPP, gia tăng xuất khẩu sang thị trường châu Mỹ

Trong 3 năm thực thi CPTPP, so sánh với những đối tác khác đã phê chuẩn CPTPP, Việt Nam là nước thành viên mà tranh thủ được khá tốt thị trường CPTPP để gia tăng thị phần ở châu Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN