Ngày 25/4, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp Viện KAS (CHLB Đức) tại Việt Nam tổ chức hội thảo "Tái cấu trúc nền kinh tế trong bối cảnh nợ công và suy thoái kinh tế: chia sẻ kinh nghiệm châu Âu và Việt Nam", với sự tham gia của các nhà khoa học đến từ Đức, Ý, Hungary, Pháp, Tây Ban Nha và Việt Nam.
Các nhà khoa học cho rằng năm 2011, khủng hoảng nợ công châu Âu đã trở thành tâm điểm chú ý của thế giới khi hàng loạt các nước thành viên vượt trần những quy định do Liên minh châu Âu đề ra. Khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế đã kích nổ nợ công ở những nước yếu kém hơn trong khu vực đồng tiền chung châu Âu. Cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu sẽ tiếp tục đặt nền kinh tế toàn cầu bên bờ vực suy thoái trong suốt năm 2012. Triển vọng tái cấu trúc kinh tế châu Âu đến năm 2020 với mục tiêu "tăng trưởng nhanh, bền vững và toàn diện" là điều khó dự báo.
Vì vậy có 5 xu hướng kinh tế chủ yếu, trong đó có nỗ lực thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế hiện nay với các chính sách như hạ lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu, sử dụng gói kích thích kinh tế cùng các chính sách kiểm soát các khoản hỗ trợ tài chính, xây dựng cơ chế kiểm soát rủi ro tín dụng...
Việt Nam là nền kinh tế mở sẽ chịu nhiều tác động tiêu cực từ tình hình suy thoái, bất ổn của nền kinh tế toàn cầu. Ảnh internet
|
Năm 2012 với những cơ hội và thách thức đan xen sẽ là năm khó khăn trong thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và châu Âu. Châu Âu vẫn là một trong những nhà cung cấp viện trợ phát triển hàng đầu của Việt Nam nhưng do tác động của khủng thoảng, vốn đầu tư trực tiếp từ châu Âu có xu hướng giảm và giảm tiếp trong năm 2012...
Trong bối cảnh này, TS. Nguyễn Thắng, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng: Liên quan đến khâu thực hiện, việc tái cơ cấu cần thực hiện trước tiên đối với các doanh nghiệp lạm dụng đòn bẩy tài chính dẫn đến tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu hay tổng tài sản ở mức cao, dẫn đến rủi ro cao, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng chậm lại. Những bước quan trọng khác của quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp phải bao gồm công khai minh bạch thông tin các hoạt động của doanh nghiệp nhà nước với những tiêu chuẩn khắt khe về tình hình sản xuất, tài chính, các mục tiêu kinh doanh, lợi nhuận... theo chuẩn mực áp dụng cho các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam; xóa bỏ mọi ưu đãi cho doanh nghiệp nhà nước về tiếp cận các nguồn tín dụng, lợi thế độc quyền, quyền kinh doanh....
Theo đó, Nhà nước kiên quyết không "khoanh nợ, giãn nợ" cho bất kỳ doanh nghiệp nhà nước nào, sẵn sàng để doanh nghiệp nhà nước phá sản nếu để mất khả năng thanh toán; tiếp tục lộ trình mở cửa thị trường trong các ngành còn độc quyền nhà nước để tạo môi trường cạnh tranh cho mọi thành phần kinh tế. Đặc biệt, nhà nước cần sớm tái cơ cấu ngành điện và kinh doanh xăng dầu thông qua việc có lộ trình rõ ràng về đưa cạnh tranh vào trong các ngành này ở mức cao nhất có thể nhằm tăng hiệu quả, giảm giá thành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển cơ chế giá đối với các đầu vào chiến lược này của nền kinh tế sang cơ chế thị trường.
Về lâu dài, Việt Nam cần xác định rõ vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường, trong đó Nhà nước chủ yếu thực hiện kiến tạo môi trường về thể chế, hạ tầng cơ sở cứng và mềm cho khu vực tư nhân phát triển. Nhà nước cần hạn chế tối đa sự có mặt của mình trong các lĩnh vực sản xuất và chỉ duy trì các tập đoàn kinh tế lớn nếu các tập đoàn này có tính kinh tế quy mô trong lĩnh vực mà tập đoàn hoạt động, đóng góp vào sự mở rộng thị trường quốc tế, thể hiện năng lực bắt kịp về năng suất và hiệu quả với thế giới, có khả năng nâng cấp trình độ công nghệ trực tiếp hoặc thông qua hiệu ứng lan tỏa đến các doanh nghiệp khác./.
Minh Nguyệt