Ưu tiên cây trồng có giá trị cao
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - NN&PTNT), kết quả vụ đông 2019 diện tích gieo trồng đạt 388 nghìn ha, tăng 3,7 nghìn ha so với vụ đông 2018. Tuy diện tích sản xuất có thấp hơn 12 nghìn ha so với kế hoạch nhưng tổng giá trị cây trồng vụ đông 2019 đạt khoảng 31.500 tỷ đồng, cao hơn gần 500 tỷ đồng so với vụ đông 2018 đã góp phần giúp nông dân gia tăng thu nhập, tăng hiệu quả trên đơn vị diện tích.
Nguyên nhân chính là do có sự chuyển dịch từ cây trồng có giá trị thấp sang cây trồng có giá trị cao hơn như: nhóm cây dược liệu, nhóm rau ăn củ, ăn quả rau chất lượng cao; ngô sinh khối; hoa chất lượng cao, cây cảnh; sản xuất trong nhà màn, nhà lưới gắn với sơ chế, chế biến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm có thị trường đầu ra ổn định; trồng rải vụ...
Đây là kinh nghiệm quan trọng để ngành nông nghiệp triển khai vụ đông năm 2020.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, đến nay tất cả các vùng, các vụ lúa trên cả nước đều đã vượt qua khó khăn về thiên tai để giành thắng lợi lớn, được mùa, được giá so với năm 2019. Hiện nay, các tỉnh phía Bắc đã có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất vụ đông, hình thành được một số vùng sản xuất chuyên canh cây vụ đông với đa dạng các nhóm cây trồng như cây ưa ấm, cây ưa lạnh có hàng hóa tập trung lớn, có giá trị cao (từ 200 - 300 triệu đồng/ha), gấp nhiều lần so với giá trị sản xuất cây lúa.
Sang vụ đông năm 2020, Bộ NN&PTNT tiếp tục phấn đấu kế hoạch triển khai sản xuất vụ đông đạt 430.000 - 450.000 ha (tăng khoảng 10 đến 20% diện tích so với vụ đông 2019). Trong đó tập trung phát triển một số cây trồng có giá trị kinh tế cao.
Sản lượng phấn đấu đạt 4,6 - 4,950 triệu tấn (tăng 10 - 15% sản lượng so với vụ đông 2019). Tổng giá trị sản xuất phấn đấu đạt khoảng 34,2 - 36,6 nghìn tỷ đồng, trung bình giá trị sản xuất đạt khoảng 75 triệu đồng/ha.
Cơ cấu nhóm cây ưa ấm (ngô, khoai lang, đậu tương, lạc, rau ưa ấm) chiếm tỷ lệ khoảng 55% tổng diện tích cây vụ đông. Nhóm cây ưa lạnh (khoai tây, rau đậu ưa lạnh) khoảng 45% tổng diện tích cây vụ đông.
Ngoài ra, ngành nông nghiệp cũng tập trung ưu tiên phát triển ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi. Theo số liệu của Cục Chăn nuôi, tổng nhu cầu ngô sinh khối cần cho chăn nuôi đại gia súc là 27,6 triệu tấn/năm, trong đó các doanh nghiệp chăn nuôi tự cung cấp được khoảng 70% còn lại cần mua ngoài là 30% (khoảng 8 triệu tấn).
Tăng cường liên kết bao tiêu sản phẩm
Sản xuất vụ đông 2019 cũng gặp nhiều khó khăn, trong đó có thời tiết bất lợi. Cục trưởng Cục trồng trọt Nguyễn Như Cường cho biết, việc nền nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm và cao hơn vụ đông 2018, lượng mưa cả vụ 461,6 mm thấp hơn vụ đông 2018, đặc biệt đầu vụ đông 2019 ảnh hưởng của không khí lạnh gây mưa to đến rất to kèm theo dông nên đã làm ngập úng một số diện tích vùng thấp và dập nát một số diện tích cây vụ đông sớm, một số diện tích cây vụ đông ưa lạnh mới gieo trồng như khoai tây, rau các loại...
Bên cạnh đó, doanh nghiệp tham gia liên kết, ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm vụ đông còn quá ít. Tiêu thụ sản phẩm chủ yếu là nông dân tự bán hoặc qua tư thương ít có hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm ngay từ đầu vụ nên sản xuất gặp nhiều rủi ro.
Trước thực tế này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đưa ra nhận định: Vụ đông ở 31 tỉnh, thành phía Bắc từ Thừa Thiên Huế trở ra có thể khẳng định là một vụ sản xuất cho giá trị rất cao nếu làm tốt. Bên cạnh những thuận lợi: vụ đông ngắn, thời vụ, thời tiết ủng hộ, có thị trường, có truyền thống, có kinh nghiệm nhưng vẫn phải khẳng định có được giống, vì mưa gió thất thường, gối vụ và không tổ chức tốt thì ngay từ khâu đầu giống không chuẩn, quy trình không chuẩn, sản phẩm làm ra không biết chế biến không biết liên kết sẽ không có thị trường. Trong khi khâu tìm kiếm thị trường có thể thực hiện sớm bằng các biện pháp xúc tiến thương mại, hỗ trợ tạo vùng liên kết của cơ quan chức năng.
Để khắc phục những vấn đề này, ngành nông nghiệp đưa ra yêu cầu các địa phương cần sớm chủ động tham mưu, đề xuất Uỷ ban Nhân dân tỉnh ban hành cơ chế, chính sách mới, phù hợp điều kiện cụ thể để hỗ trợ nông dân đầu tư phát triển cây vụ đông.
Cơ chế chính sách hỗ trợ cần tập trung gồm: xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, khuyến khích các doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm; hỗ trợ những vùng có diện tích cây vụ đông lớn, xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế.
Các địa phương cũng cần rà soát điều chỉnh kế hoạch vùng gieo trồng cây vụ đông, chủ động tiêu thoát nước sớm, chuẩn bị cây con (làm bầu) trồng cây vụ đông ngay sau khi thu hoạch lúa.
Việc bố trí quỹ đất hợp lý cho cây vụ đông sớm có thể thực hiện cùng công tác đẩy mạnh công tác dồn điền, đổi thửa, hình thành những vùng sản xuất tập trung, tạo điều kiện áp dụng cơ giới hóa, công nghệ, tiến bộ kỹ thuật nhằm tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất.