Đó là ý kiến của các đại biểu tại buổi tọa đàm "Chống hàng giả, ai bảo vệ doanh nghiệp" do Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức ngày 27/4.
Hàng trăm gói bột ngọt giả bị lực lượng công an bắt giữ. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Ông Trần Hùng, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia nhận định, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại đang diễn biến hết sức phức tạp, gây bức xúc trong xã hội. Đây chính là một loại "tội phạm kinh tế" cần được xử lý.
Đại diện Công ty Liên doanh bột quốc tế cho biết, các sản phẩm của công ty bị làm nhái, làm giả rất tinh vi. Đơn vị làm nhái sử dụng bao bì, logo thương hiệu gần như giống hoàn toàn với sản phẩm thật và rất dễ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, việc xử lý các doanh nghiệp, đơn vị vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, sản xuất hàng giả, hàng nhái của cơ quan chức năng chưa thật sự quyết liệt.
Điển hình như tình trạng làm nhái các sản phẩm bột làm bánh của công ty, mặc dù đã báo cáo cơ quan chức năng hơn hai tháng nhưng vẫn chưa có kết luận cuối cùng.
Trong khi đó, sản phẩm của đơn vị vi phạm vẫn bày bán tràn lan trên thị trường, gây thiệt hại không nhỏ cho doanh nghiệp cả về doanh thu, lợi nhuận và lòng tin khách hàng. Đặc biệt, uy tín của doanh nghiệp đối với nhà đầu tư nước ngoài đã bị giảm sút nghiêm trọng.
Cùng quan điểm, ông Cao Tiến Vị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần giấy Sài Gòn cho biết, doanh nghiệp xây dựng thương hiệu được 20 năm thì đã có 15 năm phải đối mặt với tình trạng hàng giả tràn lan trên thị trường.
Theo ông Cao Tiến Vị, việc xử lý các đơn vị vi phạm còn rất nhiều bất cập. Có thể kể đến như quy định bao bì, nguyên liệu không tính vào giá trị hàng hóa vi phạm; cùng một vấn đề nhưng có quá nhiều văn bản pháp luật quy định và hướng xử lý khác nhau gây khó khăn cho lực lượng thực thi.
Các thủ tục khiếu kiện quá phức tạp, rườm rà và được cơ quan chức năng xử lý một cách chậm chạp và bị động. Mặt khác, các đơn vị quản lý liên quan đang bỏ qua rất nhiều hàng hóa không rõ nguồn gốc, không hóa đơn chứng từ mà những hành vi này dẫn đến hàng giả, hàng kém chất lượng và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Để giải quyết tình trạng trên, các doanh nghiệp nêu kiến nghị, các văn bản pháp luật cần phải được hệ thống lại cho rõ ràng, phù hợp với tình hình thực tế và chỉ rõ trách nhiệm cụ thể của từng đơn vị cũng như có chế tài đủ mạnh trong việc xử lý vi phạm.
300 trăm chai rượu giả các loại bị lực lượng công an bắt giữ. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Mặt khác, những đơn vị, doanh nghiệp cố tình vi phạm phải được xử lý một cách triệt để, tận gốc để không ảnh hưởng tới các doanh nghiệp làm ăn chân chính và toàn bộ nền kinh tế nói chung.
Luật sư Trương Thị Hòa, cho rằng, việc xử lý các hiện tượng hàng giả, hàng nhái nên tập trung quy về một mối là cơ quan quản lý thị trường để doanh nghiệp không phải chạy lòng vòng. Mặt khác, quy trình, thủ tục khiếu kiện, xử lý nên được rút gọn, tránh làm doanh nghiệp ngại phiền hà mà chấp nhận “sống chung với lũ”.
Bên cạnh đó, cần xem xét lại việc quản lý các cơ sở in ấn, sản xuất bao bì, vì đây cũng là một trong những yếu tố tác động đến việc sản xuất, kinh doanh hàng nhái, hàng giả.
Còn theo ông Trần Hùng, việc xử lý hành vi sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ cần sự vào cuộc quyết liệt của toàn bộ xã hội. Trong đó, cơ quan chức năng nên nhìn thẳng vào sự thật là lực lượng thực thi pháp luật còn mỏng và yếu về nghiệp vụ; sự kết hợp giữa các đơn vị liên quan chưa thật sự đồng bộ, chặt chẽ để có hướng khắc phục.
Về phần mình, doanh nghiệp nên mạnh dạn lên tiếng và đồng hành cùng cơ quan chức năng khi bị vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Doanh nghiệp phải ý thức bảo vệ tài sản, uy tín của mình thì các cơ quan thực thi pháp luật mới có thể hỗ trợ hiệu quả.
Mặt khác, việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật và nâng cao nhận thức của người tiêu dùng là vô cùng quan trọng, chỉ khi nào người tiêu dùng nói không với hàng giả thì mới triệt tiêu được động lực của các đơn vị vi phạm
Theo thống kê chưa đầy đủ của Cục Quản lý thị trường, năm 2016, cả nước phát hiện, xử lý hơn 30.000 vụ vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với tổng xử phạt vi phạm hành chính trên 93 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm lên tới hơn 1.000 tỷ đồng.
Riêng quý 1 năm 2017 đã phát hiện gần 5.500 vụ vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, xử phạt gần 16 tỷ đồng.