Kết quả thăm dò của Hiệp hội quốc gia các nhà kinh tế doanh nghiệp Mỹ (NABE) công bố ngày 20/8 cho thấy các chuyên gia đang bị chia rẽ về chính sách cắt giảm thuế công ty, song đều nhất trí rằng quốc hội nước này cần tìm cách thu hẹp thâm hụt ngân sách.
Phó Chủ tịch NABE, ông Kevin Swift nêu rõ hơn 90% trong số 251 các nhà kinh tế được thăm dò cho rằng các nguy cơ từ thuế quan đều gây ra những hậu quả tiêu cực. Hiệp hội cũng đánh giá kết quả tương tự khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA).
Theo cuộc thăm dò, đa số những người được hỏi đều ủng hộ chính sách giảm thuế cho các công ty, trong khi có rất ít người tán thành sự thay đổi chính sách cho các cá nhân, vốn bị đảng Dân chủ chỉ trích là sẽ làm lợi cho người giàu. Hơn 80% tin rằng chính sách tài chính hiện này sẽ làm tăng thâm hụt ngân sách và mong muốn quốc hội tìm cách ngăn tình trạng này.
Bên cạnh đó, khoảng 60% những người được hỏi cho rằng chính sách kinh tế cần chú trọng hơn nữa vào công tác chống biến đổi khí hậu. Ước tính 74% tin rằng chính sách kinh tế nên tăng cường việc chống bất bình đẳng thu nhập. Tỷ lệ ủng hộ việc nâng cao đào tạo để tăng năng suất lao động và thúc đẩy việc đánh thuế lũy tiến lần lượt là 47% và 33%.
Trước đó, Bộ Thương mại Mỹ ngày 3/8 công bố báo cáo cho biết trong tháng 6/2018, thâm hụt thương mại của Mỹ tăng 7,3%, tương ứng 3,2 tỷ USD, lên 46,3 tỷ USD. Đây cũng là mức thâm hụt thương mại trong tháng lớn nhất mà nền kinh tế số 1 thế giới gánh chịu kể từ tháng 11/2016, bất chấp việc chính quyền Tổng thống Donald Trump đã áp dụng chính sách tăng thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu của một số nước nhằm giảm con số này.
Những con số thực tế nêu trên đã phản ánh rõ chính sách thương mại mà chính quyền Mỹ theo đuổi là không hiệu quả. Theo các chuyên gia kinh tế, việc Mỹ gánh chịu mức thâm hụt thương mại kéo dài nhiều năm là một thực tế không thể thay đổi bằng chính sách của nền kinh tế Mỹ, đó là mức tiêu thụ của người dân Mỹ lớn hơn lượng hàng hóa được sản xuất và hàng hóa nhập khẩu bù đắp vào chỗ thiếu hụt đó.