Theo đó, trong tháng 1/2023, số doanh nghiệp thành lập mới của thành phố là 2.536 doanh nghiệp với số vốn đăng ký mới 17.967 tỷ đồng, giảm 7,07% về số lượng và giảm 38,03% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm ngoái. Thành phố có 5.024 lượt doanh nghiệp đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, vốn đăng ký bổ sung 19.542 tỷ đồng, giảm 59,9% so với cùng kỳ. Tính chung tổng vốn đăng ký và bổ sung trong tháng 1/2023 là 37.509 tỷ đồng, giảm 51,74% so với cùng kỳ.
Tháng qua, TP Hồ Chí Minh có 291 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 5,83% so với cùng kỳ năm 2022; có 10.255 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, tăng 21,05%; 3.235 doanh nghiệp hoạt động trở lại giảm 31,82%. Tổng số doanh nghiệp trên hệ thống hiện tại là 518.713 doanh nghiệp.
Theo UBND TP Hồ Chí Minh, số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm cả về số lượng và số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2022; phần nào phản ánh và cảnh báo những khó khăn trong quá trình phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong năm 2023.
Theo Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ, hiện có hơn 95% người lao động đã quay lại nhà máy, xí nghiệp để bắt đầu cho năm mới. Tuy nhiên, doanh nghiệp đang đối diện với khó khăn đó là đơn hàng sụt giảm, có nhiều ngành nghề hiện nay đơn hàng chỉ bằng 30-40% so với cùng kỳ năm trước; tiếp cận về tín dụng vẫn còn khó khăn; xung đột vũ trang một số nơi vẫn tác động mạnh mẽ đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Sức mua của thị trường cũng là một tác động trực tiếp ảnh hưởng đến doanh nghiệp xuất khẩu.
Sở Công Thương cũng hỗ trợ doanh nghiệp ổn định nguồn cung và chi phí đầu vào, định hình các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm công nghiệp chủ lực; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại đa kênh, kết nối giao thương đa hình thức, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả thị trường trong nước, hỗ trợ thị trường xuất khẩu đang khó khăn.
Sở Công Thương cũng hỗ trợ doanh nghiệp khai thác, mở rộng thị trường xuất khẩu, kết nối các nhà cung cấp, doanh nghiệp Việt Nam với cơ quan xúc tiến thương mại, nhà nhập khẩu, doanh nghiệp nước ngoài; cung cấp thông tin, tình hình thị trường, nâng cao khả năng đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của các sản phẩm xuất khẩu Việt Nam tại các thị trường trọng điểm và thị trường tiềm năng cũng như kết nối các địa phương, khu công nghiệp trong nước với các nhà đầu tư nước ngoài.
"Chúng tôi sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các quận huyện triển khai ngay chương trình kết nối ngân hàng và doanh nghiệp. Đây là điểm sáng thành công trong năm 2022 để hỗ trợ doanh nghiệp", ông Bùi Tá Hoàng Vũ chia sẻ thêm.
Theo UBND TP Hồ Chí Minh, tình hình kinh tế - xã hội tháng 1/2023 đạt nhiều kết quả tích cực. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 5,7%; doanh thu du lịch tăng 16,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trị sản xuất nông, lâm ngư nghiệp ước đạt 911,2 tỷ đồng, tăng 3,8%. Thu hút đầu tư đạt khoảng 179 triệu USD, tăng 73,8% so với cùng kỳ; trong đó có 50 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký là 86,86 triệu USD, tăng 127,8% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp thành phố qua cửa khẩu cả nước trong tháng ước đạt 3,6 tỷ USD, giảm 13% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 4,3 tỷ USD, giảm 21% so với cùng kỳ; chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tính giảm 15% so với cùng kỳ năm trước và giảm 21,4% so với tháng 12/2022.
Theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn kéo dài từ Quý IV/2022 và dự báo sẽ còn khó khăn đến hết Quý I, thậm chí Quý II/2023. Do đó, các cấp ngành cần rà soát các nhiệm vụ được giao, tập trung hoàn thành sớm, bám sát tình hình, chủ động ứng phó. Triển khai nhiều giải pháp để thực hiện có hiệu quả chủ đề năm; nhất là nâng cao hiệu quả công vụ, từng sở ngành, quận huyện phải rà soát, có các giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp…
"Các sở ngành, địa phương tập trung triển khai các giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp như: gặp gỡ, kịp thời lắng nghe để tháo gỡ và giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền; thực hiện chương trình kết nối ngân hàng với doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp về lao động, xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, chuyển đổi số trong doanh nghiệp...", ông Mãi nhấn mạnh.
Theo Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ, nhìn những con số của tháng 1 không khỏi lo lắng. Những yếu tố khó khăn về thị trường, sức mua ở các nước giảm nhưng cũng có yếu tố khách quan vì tháng 1 là tháng Tết. Tuy nhiên, với kinh nghiệm về thích ứng trong giai đoạn dịch bệnh và sự năng động của doanh nghiệp thành phố, sự chỉ đạo rõ ràng, định hướng cụ thể của lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, tin tưởng cộng đồng doanh nghiệp sẽ quay lại với nhịp tăng trưởng.