Châu Âu hào hứng nối lại hợp tác kinh tế với Iran

Sau khi Iran và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) đạt được thỏa thuận lịch sử khép lại tranh cãi về chương trình hạt nhân của Tehran tại Vienna (Áo), không chỉ giới chính trị mà cả giới kinh tế của nhiều cường quốc châu Âu cũng coi đây là tin đáng mừng cho việc nối lại và tăng cường hợp tác kinh tế.

Ngày 14/7, người dân Iran đổ ra các đường phố ở Tehran mừng chiến thắng sau khi nước này và P5+1 đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử. Ảnh: AFP/TTXVN


Phóng viên TTXVN tại Đức dẫn nguồn tin từ Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức, cho biết Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng liên bang Đức Sigmar Gabriel ngày 19/7 sẽ tới Tehran, bắt đầu chuyến thăm ba ngày tại quốc gia Hồi giáo nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Đức và Iran.

Theo đó, ông Gabriel sẽ cùng một đoàn kinh tế tới Iran nhằm thể hiện "sẵn sàng tái thiết lập quan hệ kinh tế song phương" với nước này trong bối cảnh các doanh nghiệp và ngành công nghiệp Iran đang rất phấn khởi với việc "bình thường hóa quan hệ kinh tế" giữa hai nước.

Bên cạnh khoảng 80 doanh nghiệp Đức đang có mặt ở Iran, cơ hội cho các doanh nghiệp Đức tại quốc gia Hồi giáo vốn có nguồn tài nguyên phong phú như dầu mỏ và khí đốt này vẫn còn rất lớn.

Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Đức, ngay khi một số lệnh trừng phạt đối với Iran được nới lỏng, xuất khẩu của Đức tới Iran trong năm 2014 đã tăng 30% so với năm trước đó, trong khi nhập khẩu từ Iran cũng tăng 8%.

Kim ngạch thương mại song phương trong năm ngoái đạt 2,69 tỷ euro và theo Hiệp hội công nghiệp Đức (BDI), triển vọng kim ngạch hai chiều về trung hạn có thể đạt trên 10 tỷ euro là điều rất thực tế.

Theo Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (DIHK), Iran đang có nhu cầu rất lớn đối với các sản phẩm của Đức, như trong các lĩnh vực khai thác dầu, khí, các sản phẩm hóa học, hàng tiêu dùng, dệt may và thực phẩm.

Bộ trưởng Kinh tế bang Niedersachsen, ông Olaf Lies, cũng có kế hoạch dẫn đầu một phái đoàn kinh tế và chính trị tới Iran từ 2-7/10 để thảo luận với các đại diện giới kinh tế và đầu tư của Iran.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cũng công bố kế hoạch thăm Tehran nhằm khôi phục lại vị thế kinh tế của Paris tại đất nước Hồi giáo này. Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình BFM, ông Fabius cho biết đã lập kế hoạch cử đoàn đại biểu đa ngành của Hiệp hội doanh nhân Pháp (MEDEF) đến Iran vào tháng Chín tới để nối lại các hợp tác kinh tế.

Trong diễn biến tương tự, Bộ trưởng Giao thông Nga Maxim Sokolov cho biết Moskva và Tehran đang đàm phán về việc cung cấp hàng loạt các hàng hóa, trong đó có máy bay Superjet, kỹ thuật ô tô.

Còn trên lĩnh vực ngoại giao, Anh đang xem xét từ nay cho đến cuối năm 2015 mở lại sứ quán nước này tại Tehran sau bốn năm gián đoạn.

Ngày 14/7 vừa qua, sau 13 năm đàm phán dai dẳng, Iran và Nhóm P5+1 đã đạt được thỏa thuận toàn diện cuối cùng về hồ sơ hạt nhân của Tehran, theo đó, Iran sẽ thu hẹp chương trình làm giàu urani, đổi lại, những biện pháp trừng phạt về kinh tế và tài chính đối với nước này sẽ từng bước được dỡ bỏ, có thể “sớm nhất từ đầu năm 2016”.

TTXVN/Tin tức
Các nước hoan nghênh thỏa thuận hạt nhân Iran
Các nước hoan nghênh thỏa thuận hạt nhân Iran

Một ngày sau khi nhóm P5+1 đạt thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran, các nước châu Á và châu Đại Dương đã có phản ứng tích cực về sự kiện này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN