Cảnh báo từ việc doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc đầu tiên vỡ nợ

Với việc không thể trả được mất khả năng trả lãi trái phiếu phát hành năm 2011, Shanghai Chaori Solar Energy Science & Technology có thể trở thành công ty đầu tiên của Trung Quốc vỡ nợ trái phiếu.

Công ty này thông báo họ đang tìm khách mua nhà xưởng ở nước ngoài để có thể nhanh chóng có tiền trả nợ. Mặc dù quy mô vỡ nợ của Shanghai Chaori không lớn, nhưng việc nó có châm ngòi khủng hoảng nợ doanh nghiệp ở Trung Quốc hay không đang là tâm điểm chú ý của thị trường.

Sự kiện Shanghai Chaori Solar Energy Science & Technology khó có thể trở thành “Khoảnh khách Bear Stearns”.


Theo truyền thông Hong Kong, Shanghai Chaori vốn phải trả tổng cộng 89,8 triệu NDT tiền lãi, nhưng công ty chỉ có thể thu xếp được 4 triệu NDT nên không thể hoàn thành được nghĩa vụ trả nợ.

Tuy Shanghai Chaori Solar Energy tuyên bố sẽ chịu tiền phạt phát sinh từ việc chậm chễ trong việc trả lãi, nhưng sự kiện này đã khiến lô trái phiếu thời hạn 5 năm trị giá 1 tỉ NDT mà công ty này phát hành vào tháng 3/2012 đã bị hạ cấp tín nhiệm từ mức BBB+ xuống mức CCC.

Đồng thời, trái phiếu của nhiều công ty của Trung Quốc cũng đã bị liệt vào danh sách phải quan sát mức độ tín nhiệm, làm cho các trái phiếu liên quan rớt giá mạnh.

Nguyên nhân Shanghai Chaori vỡ nợ bắt nguồn từ lĩnh vực kinh doanh. Ba năm lại đây, công ty liên tục thua lỗ, trong đó riêng năm 2013 lỗ tới 1,33 tỉ NDT và tính tới quý III/2013, tổng số nợ phải thu của công ty lên tới 2,1 tỉ NDT.

Hiện nay, tỉ lệ nợ trên tài sản của công ty là 90,1%, cho thấy vấn đề tài chính của công ty nghiêm trọng tới mức nào. Nhưng điều mà các nhà đầu tư quan tâm hơn chính là việc do làm ăn thua lỗ liên tục, cổ phiếu của các công ty cổ phần như Shanghai Chaori phải dừng giao dịch hoặc bị hủy niêm yết vào ngày công bố kết quả kinh doanh gần nhất.

Sự kiện Shanghai Chaori cũng thu hút sự quan tâm chú ý của Ủy ban Giám sát Chứng khoán Trung Quốc, đặc biệt là khả năng gây ra rủi ro mang tính hệ thống.

Tờ “Kinh tế Nhật báo” của Hong Kong ngày 10/3 cho biết mới đây có quan chức thuộc Ủy ban Giám sát Chứng khoán Trung Quốc nói rằng từ khi Trung Quốc bắt đầu thắt chặt thanh khoản vào năm 2012, lợi nhuận của các công ty hoạt động trong ngành nghề mang tính chu kỳ như Shanghai Chaori giảm dần, cho nên việc công ty này vỡ nợ không phải là điều hiếm thấy và gây ngạc nhiên.

Tới đây, Ủy ban Giám sát Chứng khoán Trung Quốc sẽ tăng cường giám sát việc công bố thông tin và đốc thúc các công ty phát hành trái phiếu cùng các pháp nhân bảo lãnh phát hành trái phiếu phải cùng thực hiện chức trách và nghĩa vụ, yêu cầu các bên làm tốt công tác quản lý rủi ro.

Trở lại với sự kiện Shanghai Chaori, cuối tuần trước, khi công ty này đối mặt với nguy cơ không thể thực hiện nghĩa vụ trả lãi, Ngân hàng Mỹ (BofA) dự tính quy mô thị trường trái phiếu công ty của Trung Quốc tới cuối tháng 1/2014 ước đạt 8.700 tỉ NDT, tăng gần 10 lần so với mức 800 tỉ NDT vào cuối năm 2007.

BofA cho rằng Shanghai Chaori có thể trở thành “khoảnh khắc Bear Stearns”. Là một trong năm ngân hàng đầu tư lớn nhất Phố Wall, giá cổ phiếu của Bear Stearns có lúc lên tới 170 USD/cổ phiếu, nhưng năm 2007, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nhà đất bắt nguồn từ vay nợ dưới chuẩn, hai quỹ phòng hộ dưới sự quản lý của Bear Stearns sụp đổ.

Cuối cùng, ngân hàng có lịch sử từ năm 1923 này đứng bên bờ vực phá sản và dễ dàng bị JP Morgan Chase “thôn tính” với mức giá bèo là 2 USD/cổ phiếu. Nhưng nguy hiểm hơn là sự kiện Bear Stearns đã khiến các nhà đầu tư đánh giá lại rủi ro và được “Thời báo Tài chính” coi như điểm khởi đầu cho “cơn sóng thần tài chính” mà tới nay thế giới vẫn lao đao khắc phục hậu quả.

Quy mô nợ của Shanghai Chaori khó có thể so sánh với Bear Stearns (tính tới thời điểm đứng trước bờ vực phá sản, những khoản đầu tư vào lĩnh vực cho vay mua nhà “một đi không trở lại” đã khiến Bear Stearns thua lỗ tới 3,2 tỷ USD). Hơn nữa, ở Trung Quốc cũng không có doanh nghiệp tư nhân nào có quy mô lớn như Ngân hàng Lehman Brothers, vốn bị phá sản năm 2008 vì không tìm được khách mua tài sản của mình.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế giảm tốc, tới đây có thể sẽ có thêm nhiều công ty ở Trung Quốc lâm vào khó khăn tài chính, đặc biệt là các doanh nghiệp khó khăn trong lĩnh vực dư thừa năng lực sản xuất như sắt thép, than, đóng tàu… Việc trái phiếu của nhiều công ty phát hành bị hạ mức tín nhiệm cũng có thể dẫn tới làn sóng bán tháo.

Nhưng ở khía cạnh khác, sự kiện Shanghai Chaori có thể là một việc tốt. Theo các nhà phân tích của BofA và Merrill Lynch, nếu Trung Quốc cho phép Shanghai Chaori vỡ nợ, đây sẽ là tín hiệu cho thấy quyết tâm của chính quyền trong việc kiềm chế ngành tài chính bành trướng quá độ sang các lĩnh vực rủi ro.

Thị trường sẽ nhận được bài học từ sự kiện Shanghai Chaori, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu và pháp nhân bảo lãnh phát hành sẽ phải cẩn trọng hơn, các nhà đầu tư cũng không thể mù quáng theo đuổi sản phẩm tài chính lãi suất cao.


Hà Ngọc
(P/v TTXVN tại Hong Kong)


Trung Quốc thâu tóm thương hiệu thời trang nổi tiếng Italy
Trung Quốc thâu tóm thương hiệu thời trang nổi tiếng Italy

Nhãn hiệu thời trang nổi tiếng của Italy là Krizia sẽ chính thức thuộc sở hữu các nhà sản xuất Trung Quốc kể từ tháng 4/2014.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN