Cần đảm bảo tiến độ Dự án xây dựng Khu du lịch Hồ Núi Cốc

Việc xây dựng tổng thể Khu du lịch Hồ Núi Cốc đang gặp không ít khó khăn, nhất là các dự án đầu tư thành phần sử dụng vốn ngân sách.

Một góc hồ Núi Cốc, Thái Nguyên.

Sau 2 năm triển khai Dự án đầu tư xây dựng Khu du lịch Hồ Núi Cốc trở thành khu du lịch Quốc gia, đến nay, một số dự án thành phần đã được nhà đầu tư khởi động, triển khai ngoài thực địa, nhất là các dự án thành phần đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) gồm: Đường Bắc Sơn kéo dài; Đường trục nối đường tỉnh ĐT 261 với Hồ Núi Cốc; Tuyến đường ven Hồ Núi Cốc và các dự án đầu tư ngoài ngân sách do doanh nghiệp đầu tư như: Khu du lịch tâm linh; Khu dịch vụ đón tiếp, khu làng văn hóa dân tộc và hai cổng vào khu du lịch Hồ Núi Cốc...

Cụ thể, đối với Dự án xây dựng đường Bắc Sơn kéo dài hiện UBND thành phố Thái Nguyên đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, thực hiện giải ngân trên 1.500 tỷ đồng. Dự án đường trục nối đường tỉnh ĐT 261 đến khu vực đền Gàn, Hồ Núi Cốc, Sở Giao thông Vận tải Thái Nguyên đã triển khai xong công tác giải phóng mặt bằng và ngân sách tỉnh đã tạm ứng 85 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư phát triển để thực hiện dự án.

Dự án xây dựng tuyến đường ven Hồ Núi Cốc (đoạn từ điểm cuối đường Bắc Sơn kéo dài đến Đoàn An điều dưỡng 16 Hồ Núi Cốc), sau khi UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu gói thầu tư vấn khảo sát, lập quy hoạch chi tiết và cắm mốc quy hoạch tuyến đường ven hồ Núi Cốc, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh đã lựa chọn được đơn vị tư vấn lập quy hoạch và đang triển khai ngoài hiện trường, đồng thời bắt đầu giải ngân...

Đối với Dự án Khu tâm linh Hồ Núi Cốc do Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường thực hiện, tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện ứng 16 tỷ đồng để giải phóng dự án. Doanh nghiệp đã thông được toàn bộ tuyến đường từ đường tỉnh ĐT 261 vào đền Gàn Hồ Núi Cốc để làm đường công vụ phục vụ thi công Khu tâm linh đền Gàn và đang lập hồ sơ đánh giá tác động môi trường khu vực dự án với diện tích khoảng 20 ha...

Tuy vậy, thực tế hiện nay, việc xây dựng tổng thể Khu du lịch Hồ Núi Cốc đang gặp không ít khó khăn, nhất là các dự án đầu tư thành phần sử dụng vốn ngân sách. Hiện tại kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 nguồn vốn ngân sách tỉnh đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua và phân bổ hết nguồn vốn được giao cho các dự án nên chưa cân đối được vốn cho dự án đầu tư hạ tầng du lịch Hồ Núi Cốc).

Qua làm việc với các bộ, ngành chức năng, đây là dự án có tổng mức đầu tư lớn, việc cân đối vốn cho dự án chỉ được thực hiện khi có nguồn bổ sung đầu tư phát triển kế hoạch trung hạn và được cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt...

Bên cạnh đó, việc duy trì cao độ mực nước Hồ Núi Cốc để đảm bảo du lịch đòi hỏi nguồn lực rất lớn để đầu tư hệ thống hồ, đập, tràn xả lũ. Khu vực triển khai dự án xây dựng Khu du lịch Hồ Núi Cốc ảnh hưởng đến 16 dự án đã được tỉnh Thái Nguyên chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đầu tư nên việc giải quyết quyền lợi giữa các nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Nhà đầu tư chưa xây dựng kế hoạch tiến độ thực hiện từng dự án thành phần dẫn đến việc theo dõi và kiểm tra tiến độ của cơ quan nhà nước gặp nhiều khó khăn và chưa thực hiện cam kết ứng trước kinh phí để giải phóng mặt bằng...

Theo ông Hoàng Thái Cương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên, thực hiện dự án xây dựng Khu du lịch Hồ Núi Cốc trong giai đoạn 2018 - 2020, tỉnh chỉ thực hiện các hạng mục dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) đã được Hội đồng nhân dân tỉnh đồng ý chủ trương, các hạng mục thành phần của dự án chỉ triển khai khi huy động được nguồn lực để đầu tư.

Để có cơ sở triển khai thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, đảm bảo phần vốn ngân sách nhà nước tham gia thực hiện dự án đường Bắc Sơn kéo dài và dự án đường trục nối đường tỉnh ĐT 261 với đền Gàn Hồ Núi Cốc và theo đề xuất của UBND thành phố Thái Nguyên, Sở cũng kiến nghị tỉnh giao cho UBND thành phố Thái Nguyên cân đối ngân sách thành phố để thực hiện dự án xây dựng hạ tầng các khu đất dọc hai bên đường Bắc Sơn kéo dài.

Ngoài ra các sở, ngành liên quan cũng đang tích cực làm việc với các cơ quan chức năng về việc xác định cao trình tích nước Hồ Núi Cốc ở mức phù hợp nhằm mục tiêu phát triển du lịch đồng thời đảm bảo yêu cầu nguồn nước phục vụ thủy lợi, sinh hoạt của nhân dân và an toàn các công trình...

Như Thông tin Thông tấn xã Việt Nam đã thông tin, trong tháng 2/2016, Dự án xây dựng khu du lịch Hồ Núi Cốc đã được tỉnh Thái Nguyên và Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường động thổ xây dựng với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 15.000 tỷ đồng. Đến tháng 12/2016, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục công bố Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Núi Cốc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu phấn đấu trước năm 2025, Khu du lịch Hồ Núi Cốc đáp ứng các tiêu chí và được công nhận là Khu du lịch quốc gia, đón khoảng 2,5 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đến năm 2025 đạt khoảng 860 tỷ đồng...

Để các mục tiêu của dự án phù hợp với thực tế, tháng 10/2017, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh giảm quy mô, nguồn vốn xây dựng của dự án từ 9.980 tỷ đồng xuống còn 6.838,3 tỷ đồng, trong đó đề xuất vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ 80%, còn lại là ngân sách địa phương, chuyển 3 hạng mục dự án  ra khỏi danh mục đầu tư của dự án; đồng thời nhất trí chủ trương đầu tư các hạng mục này theo hình thức đối tác công tư (PPP) - Hợp đồng BT..


Tin, ảnh: Hoàng Thảo Nguyên (TTXVN)
Thái Nguyên đẩy nhanh tiến độ di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm
Thái Nguyên đẩy nhanh tiến độ di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm

Thành phố Thái Nguyên đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh xử lý các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN