Cải cách môi trường kinh doanh khơi dậy động lực tăng trưởng kinh tế

Các đề án tinh gọn bộ máy cơ quan quản lý đang soạn thảo mới đây được kỳ vọng sẽ tháo gỡ được các nút thắt về quản lý chồng chéo, đan xen, nhiều tầng nấc. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, để thực hiện hiệu quả cải cách môi trường kinh doanh trong bối cảnh hiện nay, cần đảm bảo các nhân tố như: sự quan tâm, coi trọng, chỉ đạo của người đứng đầu.

Để hiểu rõ hơn, những nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã có những chia sẻ với báo chí xung quanh nội dung này.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung cải cách môi trường kinh doanh; trong đó, chú trọng hoàn thiện, đảm bảo tính đồng bộ và nâng cao chất lượng pháp luật, bãi bỏ và đơn giản hóa thủ tục hành chính. Bộ trưởng nhận thấy môi trường đầu tư – kinh doanh đã có những chuyển biến tích cực như thế nào?

Với những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nhiều tổ chức quốc tế lớn, có uy tín đánh giá cao kết quả đạt được và nâng hạng năng lực cạnh tranh của nước ta. Cụ thể là: Moody và S&P đánh giá Việt Nam là một trong hai quốc gia ở Châu Á được ghi nhận cải thiện chỉ số tín dụng dài hạn ở mức ổn định, tích cực. JETRO xếp hạng Việt Nam về địa điểm hấp dẫn đầu tư ở vị trí thứ 2 thế giới và thứ 1 châu Á. EuroCham cũng đánh giá Việt Nam thuộc nhóm 10 điểm đến đầu tư toàn cầu.

Nhờ vậy, năm 2024, chỉ số Phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam được Liên hợp quốc xếp thứ 71, tăng 15 bậc so với xếp hạng trước đó (năm 2022). So với năm 2023, chỉ số Tự do kinh tế cải thiện 13 bậc, lên thứ hạng 59; đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 2 bậc, lên vị trí 44, trong đó có 3 chỉ số đứng đầu thế giới. Ngoài ra, Việt Nam là 01 trong 46 quốc gia được xếp vào Nhóm 1 về chỉ số An toàn thông tin mạng năm 2024.

Để thực hiện ở mức cao nhất có thể các mục tiêu đặt ra cho năm cuối nhiệm kỳ. Theo Bộ trưởng Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và Nghị quyết 02/NQ-CP về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh mới đây đã ban hành có điểm gì khác so với các năm trước? Giải pháp thực hiện để thúc đẩy các động lực tăng trưởng?

Nghị quyết 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ là văn bản được ban hành hằng năm, mang tính định hướng để Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đã được đề ra tại các kết luận, nghị quyết của Đảng, Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội

Năm 2025, các Nghị quyết này được xây dựng trong bối cảnh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, về đích của Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Đồng thời, cũng là thời điểm "bước ngoặt" để nước ta chuẩn bị, sẵn sàng bước vào kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc. Tình hình thế giới, khu vực dự báo còn phức tạp, nhiều khó khăn, thách thức.

Trong bối cảnh đó, Nghị quyết đã nhấn mạnh yêu cầu của Chính phủ đối với các cấp, các ngành, các địa phương phải quyết tâm cao, phấn đấu tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 đạt ít nhất 8% và phấn đấu hai con số trong điều kiện thuận lợi hơn; chỉ tiêu tăng trưởng GRDP của các địa phương năm 2025 tối thiểu ở mức 8-10%, nhất là thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các địa phương tiềm năng, thành phố lớn là đầu tàu, cực tăng trưởng cần phấn đấu mức tăng trưởng cao hơn bình quân chung cả nước để phát huy vai trò mạnh mẽ hơn nữa trong năm 2025.

Đặc biệt, Chính phủ đã giao các bộ, ngành, địa phương rà soát, xây dựng, đề xuất chỉ tiêu tăng trưởng GRDP, thu ngân sách nhà nước năm 2025 để theo dõi, đánh giá định kỳ. Đây là điểm rất mới so với các Nghị quyết 01/NQ-CP hàng năm, bám sát chủ trương, định hướng của Trung ương, Bộ Chính trị và đồng chí Tổng Bí thư về "khoán tăng trưởng" gắn với phân cấp, phân quyền cho địa phương.

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, với chủ đề "Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tinh gọn hiệu quả; tăng tốc bứt phá", Nghị quyết xác định những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: xác định định đột phá về thể chế là "đột phá của đột phá", phải đi sớm, đi trước mở đường cho đột phá phát triển; đổi mới tư duy xây dựng pháp luật từ đó khơi thông các điểm nghẽn, giải phóng mọi nguồn lực để thúc đẩy phát triển đất nước.

Bên cạnh đó, tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu); đồng thời tạo đột phá thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, lực lượng sản xuất mới, tiên tiến. Xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại Tp. Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng; các khu thương mại tự do tại một số thành phố trọng điểm.

Cùng với đó, xây dựng các chính sách tạo đột phá huy động các nguồn lực xã hội, khai thác hiệu quả nguồn lực từ doanh nghiệp Nhà nước, phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án tồn đọng kéo dài trong các lĩnh vực ở các địa phương; trong đó có các dự án công nghiệp, xây dựng, bất động sản, không để lãng phí nguồn lực; đồng thời, đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược; nghiên cứu khai thác không gian vũ trụ, không gian biển, không gian ngầm…

Đối với Nghị quyết số 02/NQ-CP là một chương trình riêng của Chính phủ về cải cách môi trường kinh doanh, được ban hành và thực hiện thường niên. Điều này thể hiện sự quan tâm, ưu tiên trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Nghị quyết số 02/NQ-CP bao gồm các giải pháp ngắn hạn (có thể thực hiện ngay) và cả các giải pháp dài hạn. Vào năm đầu nhiệm kỳ, Nghị quyết được thiết kế tổng thể với mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cho giai đoạn 5 năm. Những năm tiếp theo, Nghị quyết xây dựng ngắn gọn hơn, với các trọng tâm ưu tiên theo năm.

Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2025 là sự tiếp nối của các Nghị quyết số 02/NQ-CP trước đây. Theo đó, Nghị quyết bám sát định hướng cơ bản về cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh đề ra tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030; đồng thời, lựa chọn các nhóm vấn đề trọng tâm cải cách trong năm 2025; trong đó, bao gồm cả các giải pháp khắc phục những hạn chế, những nút thắt chưa được giải quyết.

Việc bổ sung, mở rộng, cụ thể hóa các mục tiêu, giải pháp trọng tâm thực hiện trong năm 2025 đảm bảo phù hợp với bối cảnh mới; phù hợp với thực tiễn triển khai các giải pháp; khắc phục những bất cập đang tạo rào cản đối với doanh nghiệp và người dân; góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển. Cách thiết kế này thể hiện cách tiếp cận nhất quán, xuyên suốt, có tính hệ thống; nhưng vẫn đảm bảo tính cập nhật, thực tiễn và linh hoạt trong thực hiện cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh.

Nhằm khơi thông và thúc đẩy các động lực tăng trưởng để đạt được các mục tiêu đặt ra cho năm 2025 và cho cả nhiệm kỳ, Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh lựa chọn 5 nhóm vấn đề và nội dung trọng tâm cải cách, bao gồm: tháo gỡ bất cập về pháp lý và thực thi trong thực hiện dự án đầu tư; nâng cao chất lượng danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh; đổi mới công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa và triển khai hiệu quả Cổng thông tin một cửa quốc gia; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước để nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng các dịch vụ phát triển kinh doanh.

Chú thích ảnh
Dự án xây dựng cầu vượt sông Đáy nối Ninh Bình - Nam Định thuộc tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng. Ảnh minh họa: TTXVN

Cùng với việc ban hành các nghị quyết trên, trong năm 2025, nhiều quy định pháp luật và các cơ chế, chính sách mới cũng có hiệu lực. Bộ trưởng kỳ vọng gì vào sự tăng tốc của nền kinh tế khi môi trường đầu tư – kinh doanh được đánh giá thông thoáng và cởi mở hơn?

Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách và thực thi, nhất là đối với các dự án đầu tư, Chính phủ đã đề xuất Quốc hội sửa đổi một số văn bản pháp lý. Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và Luật Đấu thầu.

Trong đó, một số sửa đổi đáng chú ý như điều chỉnh quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn; thành lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và nguồn hợp pháp khác để ổn định môi trường đầu tư, khuyến khích, thu hút nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước đối với một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư; quy định cụ thể hơn về thủ tục đầu tư đặc biệt, lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt;…

Những Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/01/2025 sẽ tháo gỡ được một số điểm nghẽn về thể chế đầu tư; góp phần tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, chi phí thấp, giảm rủi ro cho nhà đầu tư, doanh nghiệp và nhờ vậy khuyến khích được tinh thần kinh doanh và các động lực tăng trưởng. Nguồn lực đầu tư, nhất là đầu tư công được khơi thông sẽ tạo tác động lan toả tới khu vực kinh tế tư nhân và thúc đẩy các nguồn lực khác trong nền kinh tế. Những cải cách pháp lý này được kỳ vọng đóng góp hiệu quả cho việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Thưa Bộ trưởng, Chính phủ, các bộ, ngành đã từng cải cách mạnh mẽ môi trường kinh doanh. Trong bối cảnh hiện nay, cùng với việc tinh gọn bộ máy cơ quan quản lý, cải cách môi trường kinh doanh, theo Bộ trưởng, nên tập trung vào những vấn đề nào?

Một trong những nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh thời gian qua được ghi nhận hiệu quả rõ ràng là việc cắt giảm nhiều điều kiện kinh doanh bất hợp lý, không rõ ràng, không cần thiết cho doanh nghiệp. Tuy vậy, hoạt động quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp còn phức tạp, đan xen, nhiều tầng nấc thuộc chức năng quản lý của nhiều cơ quan khác nhau. Vì vậy, tuy điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính đã được cắt giảm, nhưng doanh nghiệp vẫn phải thực hiện thủ tục ở nhiều cơ quan khác nhau, dẫn tới chi phí tuân thủ vẫn còn cao.

Các đề án tinh gọn bộ máy cơ quan quản lý đang soạn thảo mới đây được kỳ vọng sẽ tháo gỡ được các nút thắt về quản lý chồng chéo, đan xen, nhiều tầng nấc. Tuy vậy, để thực hiện hiệu quả cải cách môi trường kinh doanh trong bối cảnh này, cần đảm bảo các nhân tố như: sự quan tâm, coi trọng, chỉ đạo của người đứng đầu.

Tại mỗi bộ, cơ quan, thu gọn đầu mối quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp; rà soát, tích hợp các thủ tục hành chính, hướng tới doanh nghiệp chỉ cần thực hiện thủ tục tại "Một cửa"; đồng thời, thủ tục được thực hiện trên môi trường điện tử; tập trung nâng cao năng lực giám sát trách nhiệm thực thi công vụ; và duy trì nỗ lực cải cách thường xuyên, liên tục.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Thúy Hiền (lược ghi) (TTXVN)
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Quyết tâm tạo đà tăng trưởng bứt phá cho kỷ nguyên phát triển mới
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Quyết tâm tạo đà tăng trưởng bứt phá cho kỷ nguyên phát triển mới

Năm 2025, nước ta bước vào trong tâm thế mới, bản lĩnh, tự tin cùng khí thế quyết tâm cải cách, đổi mới, đột phá trong cả hệ thống chính trị, hướng tới đạt kết quả cao nhất Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, chào mừng Đại hội XIV của Đảng và chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc. Để hiểu rõ hơn những kế hoạch, giải pháp "đột phá" nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng xung quanh nội dung này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN