Các giải pháp giảm bội chi

Trong những năm vừa qua, nợ công của nước ta đã tăng khá nhanh. Dự kiến năm 2015 ở mức trên 60% GDP, sát với ngưỡng khuyến cáo của các định chế tài chính quốc tế và Quốc hội đã duyệt, đồng thời nghĩa vụ trả nợ cũng tăng nhanh, nguồn trả nợ gặp khó khăn, phải hoán đổi nợ với tỷ lệ khá lớn.


Bên lề Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIII, đại biểu Bùi Đức Thụ (ảnh), Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã trao đổi với báo Tin Tức về vấn đề này.

Thưa ông, dù tỷ lệ nợ công vẫn trong giới hạn an toàn nhưng bội chi đang có xu hướng tăng dẫn đến áp lực nợ công. Vậy trong thời gian tới chúng ta cần tập trung vào những giải pháp nào?

Trong những năm gần đây, khi quyết toán, đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước, tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước luôn tăng cao. Năm 2015 nếu Chính phủ điều hành không tốt, không kiên quyết, không chặt tay trong quản lý chi và thu thì nguy cơ tăng bội chi trên 5% GDP là hiện hữu. Việc tăng bội chi như thế dẫn đến nợ công của chúng ta cũng tăng lên, mặc dù vẫn dưới 65%, nhưng tôi xin lưu ý rằng số tuyệt đối về nợ công sẽ còn tăng lên. Và điều này cho thấy khi chúng ta điều hành không tốt, khi áp lực nợ công lớn dẫn đến kinh tế suy thoái thì tỷ lệ nợ công sẽ vượt trần ngay. 

Chợ cửa khẩu quốc tế Tà Lùng, huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng được xây 3 tầng, diện tích mặt sàn hơn 3.000 m2, nhiều khu phụ trợ hiện đại với vốn đầu tư hơn 15 tỷ đồng và hoàn thành năm 2008. Nhưng từ thời điểm khai trương đến nay, khu chợ vẫn không thu hút được doanh nghiệp, hộ cá thể thuê mặt bằng để kinh doanh và gần như bị bỏ hoang. Ảnh: Quốc Đạt – TTXVN

Mặc dù nợ công của chúng ta ở dưới ngưỡng cho phép nhưng tôi cho rằng không thể bỏ qua vì nếu kinh tế suy thoái trong khi vẫn duy trì mức nợ công như hiện nay thì nguy cơ vượt trần là hiện hữu. Để khắc phục tình trạng đó, hơn lúc nào hết, chúng ta phải thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, trước hết là quản lý chi trên tinh thần tiết kiệm triệt để. Cắt giảm những khoản chi chưa thật cần thiết, chưa thật cấp bách, những khoản chi chưa hợp lý, không hiệu quả. Muốn làm được điều này, phải thực hiện cơ chế khoán chi, chẳng hạn như khoán xe công, khoán kinh phí hoạt động, có như vậy các đơn vị sẽ phải bố trí nguồn lực hợp lý, hiệu quả. Bên cạnh đó là cải cách hành chính, giảm chi thường xuyên, tăng cường chế độ trách nhiệm của người đứng đầu khi để vượt chi.

Về nguồn thu ngân sách, chúng ta phải rà soát lại chính sách thu. Cách đây hơn 5 năm, tỷ lệ thu ngân sách nhà nước lên đến 26 - 28% GDP nhưng vài năm gần đây cùng với việc rà soát, giảm các loại thuế để hỗ trợ phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp thì mức động viên vào GDP của thu ngân sách nhà nước năm 2015 dự kiến là chỉ trên 21,3% GDP; trong đó thuế và phí hơn 18% GDP. Tôi cho rằng cần phải rà soát. Có điều là nghiên cứu hệ thống chính sách thuế và quy định mức nào cho hợp lý. Đặc biệt, theo tôi, là vấn đề thời điểm và việc động viên thuế phí vào ngân sách nhà nước. Phần lớn các doanh nghiệp nhà nước hiện tại sức cạnh tranh rất yếu, hiệu quả rất kém bởi 95% là doanh nghiệp vừa và nhỏ sống chủ yếu bằng vốn vay.

Trong cơn bão cạnh tranh của hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra sâu rộng, những doanh nghiệp vừa và nhỏ đi cạnh tranh với những doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có công nghệ cao, hàm lượng chất xám lớn của các quốc gia trên thế giới thì nguy cơ đổ vỡ của doanh nghiệp Việt Nam rất lớn. Theo tôi, phải rà soát lại chính sách thu, xử lý, điều chỉnh lại chính sách thu một cách hợp lý, nhưng phải tính đến sức chịu đựng của các doanh nghiệp và của nền kinh tế. Trên tinh thần đó đảm bảo mục tiêu ổn định nền kinh tế và phát triển đặc biệt trước cơn bão cạnh tranh ngày càng lớn.

Theo ông, vấn đề thu nợ công ở các địa phương có nên giao hạn mức đối với các địa phương không?

Đây là thu nợ thuế, mà nói rộng ra là nợ ngân sách nhà nước. Hiện nay số nợ đọng thuế nhà nước lên đến 76.000 tỷ đồng. Trong số nợ ngân sách nhà nước, không phải những khoản mới phát sinh những năm gần đây mà nhiều khoản lưu cữu từ những năm trước, như: Nợ thuế của nhiều doanh nghiệp đã phá sản, giải thể lâu rồi nhưng chúng ta chưa xử lý nên cứ vắt từ năm nọ sang năm kia.

Trong số nợ thuế đó có khoảng một nửa là có khả năng thu hồi. Trong cân đối ngân sách nhà nước năm 2015 với dự toán ngân sách mà Quốc hội quyết định thì nguy cơ tăng bội chi rất lớn, nếu như không có nguồn xử lý thì bội chi sẽ tăng lên trên 61.000 tỷ đồng. Để xử lý vấn đề này, bên cạnh việc quản lý chặt chẽ chi, tăng cường quản lý thu thì tại diễn đàn Quốc hội tôi đề nghị Chính phủ phải kiên quyết thu hồi các khoản nợ đọng ngân sách Nhà nước, đặc biệt là những khoản có khả năng thu được để đảm bảo cân đối ngân sách Nhà nước. Tôi cũng đề nghị sự vào cuộc của các bộ ngành ở trung ương tiết kiệm, dừng tất cả các khoản chi chưa thật cần thiết. Đề nghị Quốc hội cho phép sử dụng phần bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp dự kiến trong 2015 - 2016 là 40.000 tỷ đồng, cho phép sử dụng 10.000 tỷ vào cân đối ngân sách 2015 để giữ được mức chi, mức bội chi như Quốc hội cho phép.

Xin cảm ơn ông!
V.Tôn
Nợ công trong tầm kiểm soát, nhưng tốc độ tăng quá cao
Nợ công trong tầm kiểm soát, nhưng tốc độ tăng quá cao

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội trong sáng 17/11, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định nợ công vẫn trong tầm kiểm soát, tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, nhưng tốc độ tăng vừa qua là quá cao, 20%/năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN