Qua đó, tiếp tục khẳng định vị thế của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế, đặc biệt là mặt hàng trái cây đã từng bước nâng cao về chất lượng, mẫu mã, đặc biệt là đã đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật và điều kiện tiêu chuẩn an toàn thực phẩm rất khắt khe của thị trường khó tính là Hoa Kỳ; đồng thời cũng là bước đệm cho quả bưởi tiến xa hơn nữa tại các thị trường xuất khẩu khác trên thế giới.
Chìa khóa mở cửa ra thế giới
Mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm giúp cơ quan chức năng và người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc. Đây cũng là điều kiện bắt buộc để nông sản Bến Tre có thể xuất khẩu theo đường chính ngạch.
Nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã chủ động hướng dẫn bà con xây dựng mã số vùng trồng, góp phần nâng cao giá trị các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh Bến Tre. Từ thực tế triển khai có thể thấy, khi được cấp mã số vùng trồng sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông sản, thúc đẩy liên kết, hình thành các chuỗi giá trị bền vững hướng đến xuất khẩu.
Theo ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp Bưởi da xanh Bến Tre, để chuẩn bị cho mặt hàng bưởi xuất sang Hoa Kỳ, hơn 1 năm nay, Hợp tác xã Bưởi da xanh Bến Tre đã tích cực thực hiện đăng ký mã số vùng trồng cho các diện tích trồng bưởi ở các địa phương như An Khánh, Tam Phước (huyện Châu Thành) với quy mô khoảng 20ha. Tín hiệu mừng là, đến nay, qua khảo sát của các chuyên gia Hoa Kỳ, các diện tích bưởi da xanh này đã chính thức được cấp mã số vùng trồng.
Ông Nguyễn Quốc Bảo chia sẻ, việc Bến Tre chuẩn bị xuất khẩu lô bưởi đầu tiên sang thị trường Hoa kỳ là cơ hội, động lực để các hộ dân, hợp tác xã và doanh nghiệp quan tâm đầu tư, xây dựng mã số vùng trồng, để người trồng bưởi có được thị trường ổn định và giá bán hấp dẫn hơn.
Đây cũng là điều kiện thuận lợi để ngành nông nghiệp tiếp tục hướng dẫn, vận động và tuyên truyền để hỗ trợ người dân canh tác đúng theo yêu cầu quy định của các nước nhập khẩu, để trái bưởi của Bến Tre được xuất khẩu sang Hoa Kỳ cũng như các nước khác.
Thời gian tới, bên cạnh 20 ha đã được cấp mã vùng trồng, Hợp tác xã bưởi da xanh Bến Tre dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng thêm 20 - 40 ha mã vùng trồng ở các địa phương lân cận. Đây là bước đệm cần chủ động xây dựng và thiết lập để theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng, qua đó sẵn sàng đáp ứng nhu cầu khi thị trường được mở rộng.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thục vật Bến Tre, tỉnh Bến Tre có 48 mã số vùng trồng các loại trái cây tươi xuất khẩu, với diện tích 487 ha, xuất qua thị trường Hoa Kỳ, EU, New Zealand, Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc... Trong đó, bưởi da xanh có 25 mã số vùng trồng, diện tích 346 ha. Riêng xuất đi Hoa Kỳ có 11 mã số vùng trồng với diện tích 156,76 ha.
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bến Tre Võ Văn Nam cho hay, các nước hiện nay rất quan trọng vùng trồng và nghiêm ngặt tiêu chuẩn sản xuất. Trường hợp nếu bị phát hiện có sai phạm sẽ bị trả về lập tức. Vì thế, các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây cần liên kết chặt chẽ với hợp tác xã, nông dân về xây dựng mã vùng trồng, để tạo vùng nguyên liệu ổn định khi xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Chi cục đã và đang làm đầu mối gắn kết nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã với doanh nghiệp xuất khẩu bưởi da xanh trên địa bàn tỉnh để thực hiện, hướng dẫn việc cấp mã vùng trồng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ và kể cả các nước châu Âu, Trung Quốc. Đến nay, công tác xây dựng tiêu chuẩn vùng trồng theo tiêu chuẩn các nước đã cơ bản đảm bảo.
Thẳng tiến sang Hoa Kỳ
Theo bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, công ty đang xây dựng vùng nguyên liệu bưởi với các tiêu chuẩn cần đạt khi xuất khẩu trái cây tươi. Công ty liên kết, phối hợp với 5 hợp tác xã sản xuất bưởi da xanh trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Các hợp tác xã hiện nay đã hoàn thành việc cấp mã số vùng trồng tạo điều kiện thuận lợi xuất khẩu bưởi da xanh sang thị trường Hòa Kỳ.
Bà Ngô Tường Vy chia sẻ, chúng tôi đã triển khai ở các vùng nguyên liệu đặc biệt là vùng trồng bưởi da xanh tại Bến Tre đã liên kết với các tổ hợp tác, hợp tác xã làm sao có sản phẩm ngon nhất đạt đúng chất lượng như phía Hoa Kỳ yêu cầu. Bên cạnh đó, việc phối hợp giữa vùng sản xuất nguyên liệu với doanh nghiệp rất quan trọng làm sao có đầu vào ổn định để cung cấp sản lượng lớn đặc biệt là hệ thống siêu thị từ phía Hoa Kỳ.
"Quả bưởi da xanh Bến Tre rất tiềm năng, bưởi da xanh với chất lượng vượt trội hơn các sản phẩm bưởi của nước nhập khẩu khác tại thị trường Mỹ", bà Ngô Tường Vy nhận định.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, bưởi da xanh là loài cây ăn trái đặc sản có nguồn gốc tại Bến Tre, với diện tích hơn 9.440 ha, tập trung ở Châu Thành, thành phố Bến Tre, Giồng Trôm, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam. Nhiều năm qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre đã phối hợp với các ban ngành có liên quan hướng dẫn, tuyên truyền và vận động người dân canh tác bưởi theo hướng Thực hành nông nghiệp tốt như VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ.
Đến nay, ngành nông nghiệp tỉnh đã xây dựng vùng sản xuất tập trung theo hướng chuỗi giá trị; trên cây bưởi đến nay có 32 tổ hợp tác, 12 hợp tác xã, hình thành 19 liên kết với doanh nghiệp, có 330 ha diện tích bưởi da xanh đạt chứng nhận VietGAP và đã cấp 25 mã số vùng trồng bưởi với diện tích 346 ha phân bố ở huyện Châu Thành, Giồng Trôm, Mỏ Cày Bắc. Hiện nay, Bến Tre có 3 doanh nghiệp được cấp mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức cho biết: Cây bưởi da xanh được trồng tại Bến Tre có hàm lượng Vitamin C, độ Brix, các khoáng chất… cao hơn bưởi da xanh trồng ở các nơi khác. Qua các đánh giá trong nước và trên thế giới, bưởi da xanh nằm trong top 5 giống bưởi hàng đầu thế giới.
Mặt khác, bưởi da xanh Bến Tre đạt chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý, cấp mã số vùng trồng đây là điều kiện rất tốt để đưa cây bưởi da xanh ngày càng phát triển hơn. Bên cạnh đó, bưởi da xanh lần đầu tiên được xuất khẩu sang thị trường khó tính như Hoa Kỳ mở ra thị trường mới đầy tiềm năng trong tương lai, cũng như các thị trường khác trên thế giới. Từ đó, nông dân trồng bưởi có thêm kênh tiêu thụ sản phẩm, nâng cao lợi nhuận so với việc chỉ tiêu thụ tại thị trường nội địa.
Có thể nói rằng, việc xuất khẩu lô bưởi da xanh đầu tiên của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện uy tín, chất lượng và tính chuyên nghiệp của người sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu và cơ quan quản lý trong việc đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật của một trong những thị trường khó tính nhất.
Từ đó, góp phần thúc đẩy vùng sản xuất bưởi da xanh tại các địa phương, trong đó có Bến Tre, ngày càng chuyển mình theo hướng an toàn, hữu cơ, đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; nông sản ngày càng có chất lượng, đồng đều và đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.
Đây cũng sẽ là cơ hội đẩy mạnh, quảng bá hình ảnh nông sản Việt, để nông sản Việt nói chung, quả bưởi da xanh nói riêng tự tin "nhập cuộc" trên hành trình vươn mình ra biển lớn.