Lúc này, nhiều người dân đã liên hệ để tiếp cận các khoản vay tiêu dùng từ các ngân hàng thương mại hoặc tổ chức tài chính để có thể giải quyết những vấn đề khó khăn trước mắt. Nhu cầu tìm kiếm các khoản vay tiêu dùng tín chấp bình dân đang nở rộ hơn bao giờ hết, tuy nhiên người vay cũng cần cẩn trọng khi tiếp cận các khoản vay này.
Nhu cầu lớn
Đã 3 tháng nay, thu nhập của gia đình anh N.V.Thanh, ở quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh đã giảm mất một nửa, khi vợ anh phải nghỉ không lương kể từ tháng 6. Mặc dù đồng lương công chức ít bị ảnh hưởng bởi dịch, thế nhưng thu nhập của anh Thanh cũng không đủ chèo chống cả gia đình 4 người, cộng thêm chi phí thuê nhà, tiền đóng năm học mới cho 2 đứa con...
Anh Thanh dự tính liên hệ với ngân hàng vay khoảng 20 triệu đồng để trang trải chi phí gia đình cũng như mua sách vở cho con… Tuy nhiên, khi tìm hiểu và liên hệ với một số ngân hàng thương mại, anh Thanh mới biết việc tiếp cận các khoản vay tiêu dùng không phải đơn giản.
Liên hệ với Ngân hàng Thương mại cổ phần Nam Á, anh Thanh được biết ngân hàng đang áp dụng mức lãi suất cho vay cá nhân là 14,7%/năm. Với đồng lương công chức ít ỏi, cộng thêm tình hình dịch bệnh kéo dài thì mức lãi suất này đối với anh là quá cao, chưa kể phải thỏa mãn các điều kiện cho vay kèm theo.
Còn khi tìm kiếm thông tin tại ngân hàng cơ quan chi trả lương qua thẻ - Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank), anh Thanh thấy ngân hàng này đang có dịch vụ vay thấu chi trực tuyến rất phù hợp với tình hình dịch hiện nay. Tuy nhiên, đến bước tìm hiểu tư vấn, anh Thanh lại không thỏa mãn điều kiện. Bởi lẽ, ngoài điều kiện tín dụng theo quy định, để vay thấu chi qua tài khoản, người vay phải có khoản tiền gửi tiết kiệm online (không phải tiết kiệm tích lũy) không bị phong tỏa và bảo đảm cho bất kỳ các khoản vay khác.
Nhu cầu vay tiêu dùng trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài như trường hợp của anh Thanh không phải là hiếm. Tại TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành hiện đang phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt để phòng chống dịch nên tác động lớn rất đến thu nhập của nhiều hộ gia đình. Những khoản chi tiêu sinh hoạt, chi phí học hành đầu năm mới… đang là áp lực lớn của nhiều người dân có thu nhập bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Lãi suất cao là một chuyện, còn tiếp cận được với các khoản vay tiêu dùng ở các ngân hàng được hay không lại là câu chuyện khác. Lãnh đạo một ngân hàng thương mại ở Tp. Hồ Chí Minh chia sẻ, sẽ rất khó cho các ngân hàng mở rộng đối với các khoản vay tiêu dùng tín chấp trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay. Lo ngại gánh nặng nợ xấu gia tăng là một phần, quan trọng nhất hiện các ngân hàng bị khống chế hạn mức tín dụng. Room tín dụng ở nhiều ngân hàng không còn nhiều, trong khi nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh còn rất lớn. Do vậy, các ngân hàng buộc phải ưu tiên cấp vốn phục vụ nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ở những lĩnh vực ưu tiên.
Nở rộ các dịch vụ tài chính bình dân
Khi việc tiếp cận các khoản vay tiêu dùng tín chấp ở các ngân hàng còn nhiều khó khăn, các dịch vụ tài chính bình dân hơn bắt đầu nở rộ, nhất là hình thức cho vay trực tuyến. Công nghệ tài chính hiện đại ngày nay cho phép các tổ chức tài chính thẩm định người đi vay một cách chuẩn xác mà không cần gặp mặt trực tiếp. Điều này đã giúp không ít người có thể tiếp cận được với các khoản vay tín chấp với hạn mức từ 1-30 triệu đồng một cách dễ dàng hơn.
Đáng chú ý, mới đây, ví điện tử Momo phối hợp với Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) ra mắt sản phẩm ví trả sau trên ứng dụng MoMo, nhằm giải quyết nhu cầu tài chính cho người dùng với hạn mức tối đa 5 triệu đồng. Lãi phạt của ví trả sau MoMo được tính dựa trên số tiền vay thực tế và số ngày trả chậm, không có hiện tượng “lãi mẹ đẻ lãi con”.
Theo ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, đồng sáng lập ví điện tử MoMo, sản phẩm Ví trả sau tiếp tục khẳng định sứ mệnh “bình dân hóa” các dịch vụ tài chính nói chung, dịch vụ “dùng trước - trả sau” nói riêng của MoMo. MoMo sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới các sản phẩm, dịch vụ có thể thanh toán bằng ví trả sau; đồng thời tăng hạn mức nhằm mang lại trải nghiệm tốt nhất cho người dùng.
Ở các công ty tài chính truyền thống, dù dịch ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh, tuy nhiên các công ty này cũng thường xuyên triển khai các chương trình khuyến mãi ưu đãi, hỗ trợ khách hàng trong mùa dịch. Đây cũng là cách mà các công ty thu hút thêm khách hàng.
Đại diện Công ty tài chính FE Credit cho biết, từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát cho đến nay, công ty đã liên tục triển khai nhiều chương trình miễn giảm lãi suất và tái cơ cấu khoản vay để đảm bảo hỗ trợ tối đa cho các khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Đặc biệt, kể từ khi dịch tái bùng phát từ cuối tháng 5, FE Credit đã có các chính sách hỗ trợ khách hàng như miễn giảm lãi từng kỳ hoặc miễn giảm một phần lãi quá hạn cho khách hàng có thiện chí trả nợ. Các giải pháp này sẽ giúp khách hàng giảm nhẹ áp lực tài chính, yên tâm tập trung cho phòng chống dịch và phục hồi kinh tế sau giai đoạn khó khăn này.
Cẩn trọng khi ký kết các khoản vay tiêu dùng
Công nghệ tài chính hiện đại giúp người dân tiếp cận các khoản vay tiêu dùng dễ dàng hơn, nhưng cũng là cái bẫy để các đối tượng hoạt động tín dụng đen lợi dụng lôi kéo người vay. Đặc biệt, khi nhiều tỉnh thành phải áp dụng giãn cách xã hội, cũng là khoảng thời gian các đối tượng này đẩy mạnh hoạt động thông qua các ứng dụng cho vay trực tuyến với lãi suất “cắt cổ”, cộng thêm cách thức đòi nợ “khủng bố” mà không ít lần cơ quan công an, báo chí đã phản ánh, cảnh báo.
Để bảo vệ tối đa quyền lợi cho người tiêu dùng cũng như lường trước những hậu quả không đáng có, mới đây Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã đưa ra một số lưu ý cho người tiêu dùng liên quan đến hình thức này.
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, so với việc đi vay nặng lãi tại những nguồn cung không bảo đảm, uy tín thì vay tiêu dùng tại các tổ chức tín dụng sẽ là sự lựa chọn khả quan, an toàn hơn cho người tiêu dùng. Dù vậy, người vay cần tìm hiểu kỹ để tránh những hậu quả không đáng có. Cụ thể, người vay phải ký hợp đồng vay tiêu dùng bằng văn bản với tổ chức tín dụng, bởi mọi hình thức giao kết khác như bằng lời nói, hành vi cụ thể... sẽ dẫn đến việc hợp đồng đó vô hiệu về hình thức theo quy định của pháp luật dân sự.
Khi nhận được dự thảo hợp đồng do tổ chức tín dụng cung cấp, người vay cần đọc, tìm hiểu và nghiên cứu thật kỹ toàn bộ nội dung hợp đồng, lưu ý và cân nhắc kỹ một số nội dung có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của mình như thời hạn cho vay; lãi suất cho vay; các trường hợp áp dụng lãi phạt và cách tính; các loại phí khác mà người vay phải trả (ngoài các khoản phí và lãi cố định). Đồng thời, theo quy định tại hợp đồng, người vay có được gia hạn nợ hay không, gia hạn như thế nào, cách tính lãi và các khoản phí liên quan trong trường hợp này…
Các chuyên gia cũng cho rằng, người vay nên chủ động tìm hiểu thật kỹ, cân nhắc kỹ, không nên đăng ký khoản vay quá khả năng chi trả của bản thân. Đồng thời, có kế hoạch rõ ràng trong việc cân đối chi tiêu để thanh toán các khoản vay theo kỳ hạn, nghiêm túc sử dụng số tiền đúng mục đích, trả đúng hạn theo quy định tại hợp đồng giữa các bên. Điều này sẽ giúp người vay tránh việc trả nợ quá hạn và các khoản lãi phát sinh hoặc mất khả năng thanh toán nợ.