Bộ Tài chính trả lời về khoảng trống pháp lý đổi đất lấy hạ tầng

Nghị định sử dụng tài sản công thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT chưa thể ban hành do vướng nhiều khó khăn vì liên quan nhiều vấn đề, quy định pháp luật khác nhau.

Ngày 5/10, tại buổi họp báo về việc xử lý khoảng trống pháp lý trong việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT), ông Nguyễn Tân Thịnh, Phó Cục trưởng cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết, Luật Quản lý sử dụng tài sản công có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, về quy tắc luật có hiệu lực thì văn bản quy định chi tiết phải có hiệu lực theo. Hiện tại, Chính phủ cũng đã ký ban hành 16 Nghị định và Quyết định của Thủ tướng quy định chi tiết về việc sử dụng tài sản công.

Tuy nhiên, Nghị định sử dụng tài sản công thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT chưa thể ban hành do vướng nhiều khó khăn vì liên quan nhiều vấn đề, quy định pháp luật khác nhau như: đầu tư, đất đai, đặc biệt là xác định giá trị quyền sử dụng đất để đảm bảo theo giá thị trường, tránh thất thoát.

Ông Nguyễn Tân Thịnh cho biết, đối với Nghị định sử dụng tài sản công thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT, ngay trong quá trình xây dựng Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Bộ Tài chính đã có dự thảo. Sau khi Thủ tướng có Quyết định 1357/QĐ-TTg ngày 13/9/2017 về danh mục phân công cơ quan chủ trì soạn thảo các văn bản chi tiết thì Bộ Tài chính đã có tờ trình dự thảo Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT.

Theo ông Nguyễn Tân Thịnh, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và các bộ ngành liên quan rất khẩn trương trong việc soạn thảo, trình dự thảo Nghị định. Dự thảo này cũng được Thủ tướng, Phó Thủ tướng quan tâm cho ý kiến chỉ đạo để hoàn thiện. Văn phòng Chính phủ đã lấy ý kiến bằng văn bản các thành viên Chính phủ, Thường trực Chính phủ cũng đã cho ý kiến.

Để hạn chế các khoảng trống pháp lý ngày 28/3, Bộ Tài chính đã có Công văn số 3515/BTC-QLCS hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc xử lý một số vấn đề chuyển tiếp trong quản lý, sử dụng tài sản công.

Theo đó, công văn nêu rõ: “Tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư kể từ ngày 1/1/2018 cho đến khi Nghị định của Chính phủ quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao có hiệu lực thi hành”.

Ông Ngô Chí Tùng, Chánh Văn phòng Bộ Tài chính cho biết, việc đề nghị dừng thanh toán các dự án BT mà Bộ thông báo cách đây không lâu không phải là “tuýt còi” dự án mà Bộ Tài chính hướng dẫn các địa phương thực hiện đúng pháp luật.

Trước đó, Bộ Tài chính có công văn số 8759/BTC-QLCS gửi Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc dừng sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo hình thức BT. Ông Nguyễn Tân Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính cho biết, văn bản của Bộ Tài chính gửi UBND thành phố Hà Nội là về việc dừng sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT chứ không phải là dừng dự án.

Ông Nguyễn Tân Thịnh cũng khẳng định, Bộ Tài chính chỉ quản lý khâu thanh toán, còn liên quan tới các vấn đề khác của dự án như ký hợp đồng, thực hiện dự án sẽ do các bên liên quan.

Thùy Dương (TTXVN)
Hạ tầng đồng bộ là lợi thế lớn giúp bất động sản khu Đông phát triển
Hạ tầng đồng bộ là lợi thế lớn giúp bất động sản khu Đông phát triển

Nếu như thị trường bất động sản (BĐS) đang khá trầm lắng ở một số khu vực tại TP Hồ Chí Minh, thì khu Đông lại liên tiếp đón nhận những tín hiệu tích cực từ những “siêu dự án” chất lượng, để làm lợi thế phát triển.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN