Nghị định này quy định về phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt trên mái các công trình xây dựng nhằm mục đích tự sản, tự tiêu, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác. Các trường hợp phát triển điện mặt trời mái nhà không thuộc phạm vị của Nghị định này là điện mặt trời mái nhà thực hiện theo khoản 11 Điều 5 Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh và Điện mặt trời mái nhà thực hiện theo cơ chế mua bán điện trực tiếp.
Nghị định này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia phát triển điện mặt trời tại Việt Nam theo hình thức tự sản, tự tiêu và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Việc phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu sẽ phải đăng ký với cơ quan chức năng theo quy định; được miễn giấy phép hoạt động điện lực.
Trong dự thảo, điện mặt trời mái nhà được định nghĩa là điện mặt trời có các tấm quang điện được lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng và được kết nối với thiết bị, kết cấu xây dựng phục vụ trực tiếp cho hoạt động phát điện. Mái nhà của công trình xây dựng gồm: Nhà dân, cơ quan công sở, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh hiện hữu, được đầu tư, xây dựng theo quy định của pháp luật.
Điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (tự sử dụng) có đấu nối với hệ thống điện quốc gia là điện mặt trời mái nhà được sản xuất để tiêu thụ tại chỗ, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác và không bán điện vào hệ thống điện quốc gia.
Điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu (tự sử dụng) không đấu nối với hệ thống điện quốc gia là điện mặt trời mái nhà được sản xuất để tiêu thụ tại chỗ, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác.
Theo dự thảo, chính sách khuyến khích điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu như sau: Điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có công suất thuộc kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia được xác định là phù hợp với khoản 1 Điều 11 Luật Điện lực năm 2004 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 6 Điều 1 Luật số 24/2012/QH13.
Điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực. Công trình xây dựng có lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không phải thực hiện điều chỉnh, bổ sung đất năng lượng và công năng theo quy định của pháp luật.
Đáng chú ý, theo dự thảo, tổ chức, cá nhân phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu được giải quyết các hồ sơ, thủ tục theo cơ chế một cửa liên thông theo quy định tại Nghị định này.
Cơ quan quản lý cũng khuyến khích các tổ chức, cá nhân kết hợp điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu với đầu tư, lắp đặt, vận hành hệ thống lưu trữ điện để chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng điện; ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu lắp đặt tại các trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công, trụ sở của các cơ quan, đơn vị được xác định là tài sản công.
Để đăng ký phát triển đối với điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có đấu nối với hệ thống điện quốc gia, các tổ chức, cá nhân có nhu cầu phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu gửi Hồ sơ đăng ký theo khoản 3 Điều này đến Sở Công Thương.
Sở Công Thương tiếp nhận Hồ sơ đăng ký, chuyển Hồ sơ đến đơn vị điện lực, các sở ngành có liên quan (Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh) xem xét, giải quyết và trả kết quả trong thời hạn tối đa 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ Hồ sơ hợp lệ. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, chưa đầy đủ Sở Công Thương trả lời tổ chức, cá nhân trong thời hạn tối đa 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ.
Đối với điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không đấu nối với hệ thống điện quốc gia, tổ chức, cá nhân có nhu cầu phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu đăng ký đến Sở Công Thương theo mẫu.