Bình Thuận xây dựng vùng lúa chất lượng cao

Là huyện miền núi thuần nông của tỉnh Bình Thuận, với lợi thế từ hạ lưu sông La Ngà, hàng năm huyện Tánh Linh gieo trồng trên 23.000 ha lúa. Tuy nhiên do người dân canh tác theo tập quán truyền thống nên sản lượng lúa không cao.

Xác định đây là vùng lúa trọng điểm của tỉnh, vì vậy ngành nông nghiệp Bình Thuận chú trọng xây dựng Tánh Linh thành vùng sản xuất lúa chất lượng cao thông qua liên kết “bốn nhà”, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao thu nhập cho nông dân; đồng thời hướng đến xây dựng thương hiệu gạo xuất khẩu cho tỉnh.

Ông Nguyễn Tôn Hòa - Trưởng phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Tánh Linh cho biết: Từ năm 2010, huyện đã triển khai thực hiện chương trình sản xuất lúa chất lượng cao với quy mô 3.000 ha (giai đoạn 2010-2015). Mục tiêu đến năm 2015, Tánh Linh sẽ đáp ứng 30-35% nhu cầu lương thực của cả tỉnh.

Hình minh họa. Nguồn: Internet


Để xây dựng vùng lúa chất lượng cao, huyện đã quy hoạch 27 xứ đồng, trên tổng số 10 xã, thị trấn. Nguồn giống đưa vào sản xuất được lấy từ Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long, các công ty nông nghiệp… Nông dân tham gia sản xuất được hỗ trợ 40% giá giống, phần phí đóng góp còn lại sẽ được đầu tư vào tu sửa hệ thống kênh mương thủy lợi. Trong quá trình thực hiện, giải pháp liên kết “bốn nhà” gồm nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà nông được triển khai đồng bộ. Khâu chuyển giao tiến bộ khoa học vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm được đặt lên hàng đầu.

Ngoài chính sách hỗ trợ về giống lúa, huyện thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân. Bên cạnh đó huyện còn có nhiều chính sách thu hút các doanh nghiệp tham gia chương trình nhằm giải quyết vấn đề tiêu thụ sản phẩm. Hiện có nhiều công ty, doanh nghiệp hợp tác đầu tư ứng trước giống, phân bón giúp nông dân sản xuất theo hướng an toàn và cam kết thu mua ổn định sản phẩm. Trong đó Công ty Đại Nhật Phát đã xây dựng nhà máy chế biến nông sản có công suất 5 tấn/giờ để chế biến, xuất khẩu gạo ra nước ngoài. Ngoài ra, dự án Cạnh tranh nông nghiệp (ACP) Bình Thuận đã đầu tư cho liên minh hợp tác xã Đức Phú (Tánh Linh) sản xuất lúa giống chất lượng cao và tu sửa đường nội đồng. Riêng nhà nông, nhờ được tập huấn thường xuyên các kỹ thuật canh tác nên người dân tuân thủ rất nghiêm túc các quy trình sản xuất, sử dụng hóa chất…


Sau hai năm triển khai chương trình, đời sống kinh tế các hộ tham gia được nâng lên rõ rệt. Toàn huyện đã có hơn 1.200 hộ đăng ký tham gia mô hình với diện tích 500 ha. Nếu như trước đó, năng suất lúa đạt 5,5 tấn/ha/vụ thì khi sản xuất lúa chất lượng cao năng suất bình quân từ 6,5 - 7 tấn/ha, cá biệt một số diện tích đạt 7,5 - 8 tấn/ha. Lúa chất lượng cao có giá thành cao hơn lúa sản xuất truyền thống từ 500- 800 đồng/kg. Với giá lúa như hiện nay, mỗi ha nông dân thu từ 35-40 triệu đồng/vụ.
Thành công lớn nhất mà chương trình mang lại là nông dân đã thay đổi tập quán canh tác từ sản xuất nhỏ lẻ chuyển sang sản xuất mô hình tập trung, nhân rộng ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, đặc biệt là nông dân hạn chế sử dụng hóa chất trong sản xuất lúa, tạo ra gạo sạch, bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng. Đây cũng là yếu tố quan trọng tăng sức cạnh tranh của lúa gạo Việt Nam.

TTXVN/ Tin Tức

Lúa thơm Việt Nam vươn ra thị trường thế giới
Lúa thơm Việt Nam vươn ra thị trường thế giới

Sở hữu nhiều loại gạo thơm được thị trường ưa chuộng nhưng một thời gian dài, thị trường xuất khẩu (XK)gạo thơm Việt Nam vẫn bỏ ngỏ. Trước tình hình XK gạo đang khó khăn, chưa bao giờ vị trí của gạo thơm lại được những doanh nghiệp (DN) XK kỳ vọng như giai đoạn hiện nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN