Bệnh “chồng” bệnh gây hại trên lúa vụ Xuân 2018 ở Hà Tĩnh

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh cho biết, hiện nay trên lúa vụ Xuân của địa phương này đang xuất hiện bệnh đạo ôn cổ bông và bệnh đốm nâu gây hại khiến cho trên 4.000 ha lúa bị nhiễm bệnh.

Theo ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh, ngoài việc có trên 2.000 ha lúa vụ bị bệnh đạo ôn cổ bông hiện vẫn chưa phòng trừ dứt điểm thì đến thời điểm hiện tại bệnh đốm nâu cũng đã gây hại trên lúa khiến 2.012 ha lúa bị nhiễm bệnh. Với tỷ lệ trung bình 5-10%, nơi cao 15-20%, cục bộ một số diện tích nhiễm nặng tỷ lệ bệnh 70-90%, tập trung chủ yếu tại các địa phương: Lộc Hà 569 ha, Thạch Hà 512 ha, Cẩm Xuyên 375 ha, huyện Kỳ Anh 295 ha, thị xã Kỳ Anh 90 ha và huyện Can Lộc là 61ha…

Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng kỹ thuật là một trong các giải pháp nhằm hạn chế sự lây lan của mầm bệnh trên lúa. Tuấn Anh-TTXVN


Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh đang tích cực hướng dẫn bà con nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đối với những diện tích bị nhiễm nặng với một trong các loại thuốc hóa học như: Tilt Super 300EC, Nevo 330EC, A-v-tvil 5SC, Nativo 750WG, Antracol 70WP... để xử lý một lần nhằm hạn chế sự lây lan của nấm bệnh.


Đối với những diện tích đã phun thuốc thì không phun lại lần 2. Điều tiết chế độ nước hợp lý (không để lúa bị hạn nhất là giai đoạn phân hóa đòng trở đi) tạo điều kiện thuận lợi cho lúa sinh trưởng. Những diện tích bị nhiễm bệnh nặng tiến hành bón 100-150 kg phân chuồng hoai mục hoặc 15-20 kg phân hữu cơ vi sinh/sào, nếu đất chua phèn bón bổ sung 10-15 kg vôi bột và phun các chế phẩm giàu lân và kali.


Trên lúa vụ Xuân 2018 tại tỉnh Hà Tĩnh, ngoài hai bệnh đạo ôn cổ bông và bệnh đốm nâu gây hại nói trên thì còn có hiện tượng vàng lá, khô đầu lá vớii diện tích là 1.143 ha tập trung các huyện như: Thạch Hà 560 ha, Lộc Hà 300 ha, Kỳ Anh 100 ha, thị xã Kỳ Anh 80 ha, Cẩm Xuyên 59ha và thị xã Hồng Lĩnh là 39,5ha.


Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hà Tĩnh, đây là hiện tượng sinh lý do phản ứng giữa cây trồng và điều kiện ngoại cảnh, thời gian tới số diện tích xuất hiện hiện tượng này có thể tiếp tục tăng nên cần làm tốt việc tuyên truyền để cung cấp đầy đủ thông tin đến người sản xuất nhằm hạn chế tình trạng người dân nhầm lẫn giữa hiện tượng sinh lý và sâu bệnh gây tâm lý hoang mang và có thể dẫn đến việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật để xử lý hiện tượng này./.

Phan Quân (TTXVN)
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN