Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP Hồ Chí Minh) để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Từ đầu năm đến nay, dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng đột biến. Vậy theo ông, đây có phải do tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung?
Đây chính là một trong những tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Điều này không phải bây giờ mà đã xuất hiện những năm trước đây và Việt Nam phải hết sức lưu ý.
Cụ thể, Mỹ đã đánh thuế vào các mặt hàng của Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường nước này. Từ đó, xuất hiện tình trạng chuyển dịch dòng vốn đầu tư ra khỏi thị trường Trung Quốc và chạy ra nhiều nước khác; trong đó, Việt Nam là một trong những điểm đến của dòng vốn này. Trong năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, số dự án và vốn đầu tư vào Việt Nam chiếm tỷ lệ cao nhất là Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc).
Để đón nhận dòng vốn này, theo ông Việt Nam cần có những chính sách gì?
Để đón nhận các nhà đầu tư, Việt Nam không thể phân biệt đó là nhà đầu tư đến từ quốc gia hay vùng lãnh thổ nào bởi chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là hội nhập sâu rộng và làm bạn với tất cả các nước trên thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần cẩn trọng khi lựa chọn các nhà đầu tư bởi bài học về sự cố môi trường biển Formusa là một ví dụ điển hình.
Do vậy, Việt Nam phải có cơ chế, chính sách, lựa chọn các nhà đầu tư có công nghệ cao, công nghệ xanh, sạch... đảm bảo yêu cầu môi trường, giải quyết việc làm cho người lao động và hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế đất nước.
Ngoài yếu tố môi trường, Việt Nam cần lựa chọn nhà đầu tư kết nối được các doanh nghiệp trong nước trên lĩnh vực công nghiệp phụ trợ; ưu tiên cấp phép cho các dự án có quan hệ hoặc ký kết với các doanh nghiệp trong nước để nâng cao giá trị gia tăng đối với từng sản phẩm, ngành nghề, lĩnh vực.... Đây là tiêu chí mà Chính phủ cần đặc biệt quan tâm.
Vậy theo ông, làm thế nào để có thể kết nối được các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), góp phần thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân?
Kể từ khi triển khai thực hiện Luật Đầu tư nước ngoài, đến nay Việt Nam đã thu hút được số lượng lớn vốn đầu tư từ nước ngoài với hơn 170 tỷ USD đã được giải ngân. Đây là nguồn vốn tạo động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế, nhất là khi Việt Nam thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, giảm đầu tư công, cổ phần hoá các doanh nghiệp Nhà nước...
Tuy nhiên, khu vực kinh tế tư nhân thời gian qua chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, hầu như chỉ phát triển mạnh ở khu vực doanh nghiệp FDI. Rõ ràng, đây là vấn đề cần phải xem xét, đánh giá, dù khu vực doanh nghiệp FDI có sự đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, chuyển giao công nghệ..., nhưng vẫn còn khiêm tốn.
Tôi cho rằng, vấn đề quan trọng là làm sao kết nối được các doanh nghiệp của Việt Nam, chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ với các doanh nghiệp FDI mới là bài toán quan trọng. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam mới chỉ đáp ứng được các nhu cầu ở thị trường trong nước. Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI không chỉ hướng tới thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sản phẩm ra thị trường quốc tế.
Vấn đề đặt ra lúc này là nâng cao công tác quản lý để Việt Nam không thể là nơi "bán giấy phép" hay các doanh nghiệp FDI "ở tạm" để lấy xuất xứ của Việt Nam mà phải là nơi có đóng góp về giá trị gia tăng đối với các sản phẩm xuất khẩu. Nói theo cách khác, nguồn tài nguyên, nguyên vật liệu của Việt Nam phải tham gia vào chuỗi giá trị đó.
Liên quan đến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, vậy theo ông đâu là cơ hội và thách thức đối với Việt Nam?
Tôi cho rằng, cơ hội và thách thức đều đan xen lẫn nhau bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tác động đến cả thế giới chứ không riêng gì Việt Nam.
Tuy nhiên, nguy hiểm nhất là cuộc chiến này sẽ tạo ra "cuộc chiến" về tiền tệ. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đang có xu hướng phá giá đồng tiền, dẫn đến hệ luỵ là giá cả hàng hoá leo thang, giá dầu biến động...
Do đó, Việt Nam cần có kịch bản phù hợp để kiểm soát lạm phát; đồng thời có chính sách khoa học và hợp lý nhằm đối phó sự phá giá của đồng Nhân dân tệ.
Ông có thể phân tích rõ hơn về những thách thức mà Việt Nam sẽ phải đối mặt?
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung không chỉ tác động trực tiếp đến 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc mà còn tác động đến nhiều nước trên thế giới.
Hiện GDP của Mỹ là 20.500 tỷ USD, còn Trung Quốc là 13.500 tỷ USD. Như vậy, riêng 2 quốc gia này đã chiếm khoảng gần 40% GDP toàn cầu. Nhưng quan trọng là thương mại của 2 nước này là một chuỗi liên kết nên tác động nhiều đến các nước... Do đó, nếu cuộc chiến này tiếp tục leo thang sẽ tác động và làm suy giảm kinh tế toàn cầu.
Đối với Việt Nam, sẽ gặp khó khăn "kép" trước cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Năm 2018, Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ khoảng 47 tỷ USD, nhưng lại nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc 65,8 tỷ USD. Vì vậy, khi Mỹ đánh thuế vào hàng hoá của Trung Quốc thì liệu người dân Mỹ có dùng hàng Việt Nam hay không bởi thị trường khó tính này đòi hỏi rất khắt khe về chất lượng, mẫu mã... Từ đó, đòi hỏi phải có độ trễ trong việc hàng Việt Nam có thể thay thế hàng Trung Quốc tại thị trường Mỹ. Theo tôi, đây là việc không hề dễ dàng và phải có sự chuẩn bị chi tiết, đầy đủ...
Xin cảm ơn ông!