Theo ông Lê Quý Hòa Bình, Quản lý chứng nhận của Control Union, từ 1/1/2025 nhóm nông dân sản xuất hữu cơ phải được chứng nhận riêng, không nằm dưới tên của tổ chức xuất khẩu. Thay vào đó, nhóm nông dân phải có pháp nhân, tức là phải được chứng nhận thông qua hợp tác xã. Do đó, việc tạo các điều kiện thuận lợi trong thành lập và phát triển hợp tác xã sản xuất hữu cơ ở địa phương cũng chính là cách giúp đáp ứng tốt hơn tiêu chuẩn xuất khẩu sang châu Âu.
Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, quy định mới của Bộ Khoa học và Công nghệ có hiệu lực từ 1/6 tới, các đơn vị khi thực hiện về quản lý truy xuất nguồn gốc hàng hóa phải đảm bảo tối thiểu 10 thông tin. Cụ thể gồm tên sản phẩm, hàng hóa; hình ảnh sản phẩm, hàng hóa; tên đơn vị sản xuất, kinh doanh; địa chỉ đơn vị sản xuất, kinh doanh; các công đoạn trong sản xuất, kinh doanh; thời gian sản xuất, kinh doanh… Đáng lưu ý, thông tin này phải được in mã gắn trên bao bì sản phẩm và kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.
Theo các chuyên gia, nhìn chung thị trường chứng nhận, tiêu chuẩn, quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ thay đổi liên tục buộc hợp tác xã, đơn vị sản xuất phải thích ứng. Nhưng thông thường, các quy định, tiêu chuẩn, chứng nhận sẽ thay đổi theo hướng nhằm hướng đến sản xuất bền vững, vì mục tiêu bảo vệ môi trường, an sinh xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Chính vì vậy, sản xuất xanh được đánh giá là xu thế tất yếu của các quốc gia trên thế giới trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt các nguồn tài nguyên... Tuy nhiên, để sản xuất theo hướng này, không chỉ đòi hỏi các hợp tác xã có thời gian, kế hoạch và đầu tư công nghệ, máy móc cũng như liên kết chặt chẽ hơn để tạo chuỗi giá trị bền vững.
Ông Trần Bá Sơn, Giám đốc Hợp tác xã Trái cây sinh học OCOP bày tỏ, gia vị là một trong những mặt hàng được nhiều hợp tác xã quan tâm sản xuất và hướng đến xuất khẩu. Thế nhưng, xuất khẩu cũng là thách thức với không ít hợp tác xã bởi thiếu thông tin về nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng thế giới cũng như kênh tiếp cận thị trường.
Chẳng hạn như thị trường EU yêu cầu rất cao về chất lượng nên hàng hoá xuất sang thị trường này đều phải trải qua các đợt kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, phía đối tác còn yêu cầu mức dư lượng tối đa đối với một số hoạt chất như tricyclazone (hoạt chất trừ nấm, trừ sâu) chỉ ở mức 0,01 thậm chí là 0.
Trong khi đó, bên cạnh hồ tiêu còn rất nhiều loại gia vị thường bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thời tiết, khí hậu, nhất là những loại cây ăn lá. Vì thế, để có vùng nguyên liệu gia vị đủ lớn, hợp tác xã phải thu mua từ nhiều vùng nguyên liệu khác mới bảo đảm đơn hàng lớn nhưng điều này lại không bảo đảm được tiêu chí về mã vùng trồng mà một số thị trường như EU đang yêu cầu.
Còn theo bà Phạm Thị Lý, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương chia sẻ, ngoài việc mở rộng quy mô sản xuất, hợp tác xã còn xây dựng thương hiệu “Organic Tiên Dương” cho sản phẩm rau hữu cơ. Tuy nhiên, việc đầu tư cho sản xuất xanh, bền vững đòi hỏi chi phí cao 4- 6 lần so với phương pháp sản xuất thông thường. Trong khi đó, trên thị trường vẫn có hiện tượng trà trộn giữa sản phẩm hữu cơ, an toàn với các sản phẩm khác khiến người tiêu dùng mất niềm tin...
Ông Mai Quang Vinh, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Kinh tế số Việt Nam cho hay, trước đây Nhà nước chưa có quy định nội dung về truy xuất nguồn gốc sản phẩm và chỉ quan tâm đến truy xuất thông tin (tem Qr thông tin), chưa có chế tài ứng dụng phải có truy xuất minh bạch thông tin tới các công đoạn sản xuất. Hơn nữa, trên thị trường còn phổ biến tem Qr thông tin giá rẻ, miễn phí, tem Qr tự tạo dán lên sản phẩm nhưng không chịu sự quản lý của các cơ quan chức năng nhà nước, giám sát, xác thực của bên thứ 3 nên hiệu quả truy xuất nguồn gốc chưa cao. Vì thế, việc quản lý truy xuất nguồn gốc hàng hóa có hiệu lực vào thời gian tới sẽ giúp nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh cũng như nắm bắt được quy trình tạo nên sản phẩm.
Đón lõng cơ hội, không ít hợp tác xã đã và đang tham gia sản xuất xanh, thân thiện môi trường; chú trọng hơn sử dụng nguồn nguyên vật liệu đầu vào như phân bón, thuốc trừ sâu không gây độc hại. Điểmkhác biệt là các hợp tác xã còn đầu tư dây chuyền máy móc, công nghệ, trang thiết bị sản xuất hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế để cải tiến quy trình, hướng tới sản xuất xanh.
Đơn cử như Hợp tác xã rau quả sạch Chúc Sơn là đơn vị đầu tiên của huyện Chương Mỹ liên kết với các nhà khoa học lắp đặt hệ thống trạm quan trắc thời tiết thông minh iMetos 3.3 A-G. Với bán kính phủ sóng 15km, trạm quan trắc này sẽ dự báo nhiệt độ, tốc độ gió, lượng mưa... một cách chính xác, từ đó giúp hợp tác xã có căn cứ để xây dựng kế hoạch chăm sóc, bảo vệ rau, quả. Việc này cũng giúp hợp tác xã hạn chế sử dụng phân thuốc trong quá trình sản xuất, bảo đảm được chất lượng và môi trường, đáp ứng các tiêu chí sản xuất xanh, sạch…
Tương tự, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp hữu cơ Thanh Xuân (Sóc Sơn) đang áp dụng tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ PGS - chứng nhận đảm bảo sản phẩm được sản xuất theo đúng quy trình cũng như tuân thủ theo quy định của sản xuất hữu cơ. Thông qua các tổ đội và thực hiện giám sát chéo lẫn nhau, ý thức sản xuất của thành viên và người dân đã được nâng cao. Điều này giúp bảo đảm lợi nhuận cho người trồng rau hữu cơ, đáp ứng tiêu chí sử dụng rau sạch của người tiêu dùng.
Để các hợp tác xã mở rộng quy mô sản xuất và xuất khẩu thành công, các chuyên gia cho rằng việc cập nhật thông tin, nắm bắt thị trường, thị hiếu khách hàng. Mặt khác, rút kinh nghiệm từ việc nhiều mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, organic nhưng vẫn gặp khó khăn trong việc mở rộng diện tích, nên các hợp tác xã cần quan tâm hơn tới vấn đề môi trường và con người nhằm đảm bảo phát triển bền vững.