“Những khoản nợ của của các doanh nghiệp khách hàng trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, nuôi trồng thủy hải sản, các ngân hàng thương mại (NHTM) cần có cơ chế chính sách hợp lý, trước hết hoãn giãn nợ, giảm lãi và đặc biệt mạnh dạn cho vay mới để các doanh nghiệp, người dân và hộ gia đình có vốn mới quay vòng. Các khoản nợ cũ sẽ được xem xét giải quyết phù hợp”, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết.
Nhiều doanh nghiệp gần như mất trắng tài sản
Chị Ngô Thị Thúy, Khu Thống Nhất 2, Tân An, Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Tôi nuôi cá bé ở đây trong các lồng, khi nào lớn hơn, chuyển cho anh tôi ở Cẩm Phả. Các lồng cá lớn ở Cẩm Phả, tôi có 600 ô với 500 con/ô, mỗi con khoảng 3 cân. Cơn bão đi qua, toàn bộ lồng bè đã bị đánh tan tác.Còn lồng cá con ở Quảng Yên, tôi có độ 20 ô nhưng nước thế này, chưa chắc cá con sống được”.
Theo chị Ngô Thị Thúy, vốn của tôi dồn vào nuôi cá là khoảng 12 tỷ, giờ là trắng tay. “Tôi vay ngân hàng 4 tỷ đồng, trả được 500 triệu đồng nhưng giờ giờ không còn gì cả, không có tiền để tái sản xuất, không biết xoay sở sao. Nếu Nhà nước hỗ trợ cho người dân chút vốn, tôi sẽ khắc phục, đóng thêm ô bè, thả cá con xuống kịp thời để gây dựng lại. Bây giờ người dân ở đây cứ gặp nhau là ôm nhau khóc, động viên nhau ‘còn người là còn của”, chị Ngô Thị Thúy vừa khóc, vừa chia sẻ.
Trước ảnh hưởng nặng nề của bão Yagi đối với người dân, doanh nghiệp, đại diện các ngân hàng thương mại (NHTM) cho biết, đang nhanh chóng triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn sau bão.
Ông Nguyễn Đức Hiển - Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Quảng Ninh cho biết: Hầu hết các đơn vị ngân hàng đều có thiệt hại về cơ sở vật chất, nhất là các đơn vị trên địa bàn vùng tâm bão đi qua. Qua thống kê sơ bộ, tổng thiệt hại về cơ sở vật chất của các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh TCTD trên địa bàn ước tính khoảng 27,4 tỷ đồng,phải mất nhiều ngày để khắc phục được hoàn toàn.
Đối với khách hàng của các TCTD, cơn bão số 3 đã làm cơ sở vật chất của hầu hết các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đều bị thiệt hại và hư hỏng. “Qua nắm bắt nhanh của các đơn vị ngân hàng trên địa bàn, đến hết ngày 10/9 có tổng số 11.058 khách hàng, với tổng dư nợ 10.654 tỷ đồng (chiếm 5,6% tổng dư nợ toàn địa bàn) đã bị ảnh hưởng nặng nề do hậu quả cơn bão số 3. Có một số khách hàng trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng rất nặng nề (bị trôi dạt mất bè nuôi thủy sản)”, ông Nguyễn Đức Hiển cho biết.
Tại Hải Phòng, bà Nguyễn Thị Dung - Giám đốc NHNN Hải Phòng cho biết: Theo báo cáo nhanh về tình hình các khách hàng bị ảnh hưởng sau bão số 3, Hải Phòng có tổng số 890 khách hàng với tổng dư nợ là 15.686 tỷ đồng bị ảnh hưởng sau bão. Khách hàng tập trung vào các ngành nghề như lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản, lĩnh vực sản xuất kinh doanh và thương mại, lĩnh vực cầu cảng, tàu bè đánh bắt thủy hải sản…
Tạm thời khoanh nợ, hoãn giãn nợ, giảm lãi ngay những khoản đã đến hạn
Phó Thống đốc Đào Minh Tú đã cùng lãnh đạo các NHTM vừa đi thực tế để nắm tình hình thiệt hại của doanh nghiệp, bà con và khách hàng vay vốn ngân hàng. Cơn bão Yagi đã khiến nhiều khách hàng, doanh nghiệp bị thiệt hại mà không có khả năng trả nợ, gần như mất trắng tài sản, không có nguồn nào bù đắp được trong thời gian trước mắt.
“Đây là vấn đề lớn đặt ra với các cấp, các Ngành, đặc biệt với ngành Ngân hàng và các NHTM. Theo đó, phải cần có những chính sách đảm bảo kịp thời, phù hợp và giải quyết ngay những nhu cầu trước mắt cũng như lâu dài góp phần ổn định cuộc sống trong những ngày mưa bão này cũng như khắc phục hậu quả trong thời gian tới”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết.
Theo ông Lê Duy Hải – Phó Tổng Giám đốc VietinBank, theo thống kê sơ bộ có khoảng 195 khách hàng doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi cơn bão Yagi với dư nợ khoảng 18.000 tỷ đồng. “Ngân hàng đang nhanh chóng đánh giá tổng thể thiệt hại với các khách hàng trong toàn hệ thống để có biện pháp hỗ trợ phù hợp. Đối với các khách hàng có mua bảo hiểm của ngân hàng, VietinBank sẽ nhanh chóng đẩy nhanh công tác đền bù để tạo điều kiện cho người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống”, ông Lê Duy Hải cho biết.
“Agribank đã chỉ đạo Công ty Bảo hiểm ABIC khẩn trương tiến hành các thủ tục hỗ trợ, đền bù đối với các khách hàng, đảm bảo hỗ trợ khách hàng kịp thời; thành lập các Đoàn công tác gặp gỡ, động viên, chia sẻ trực tiếp với các khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3; nắm bắt, đánh giá tổng thể mức độ thiệt hại của khách hàng vay vốn, dự kiến dư nợ bị ảnh hưởng, khả năng trả nợ, các giải pháp triển khai hỗ trợ khách hàng cụ thể: Triển khai các biện pháp, cơ cấu đối với dư nợ cho vay theo Nghị định 55, cơ cấu lại dư nợ bị ảnh hưởng theo Thông tư 02, giảm lãi suất, cho vay mới, khẩn trương hỗ trợ khách hàng khôi phục, ổn định hoạt động kinh doanh…”, ông Đoàn Ngọc Lưu - Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết.
Còn ông Lê Trung Thành – Phó Tổng Giám đốc BIDV cho biết: Thời gian qua, BIDV đã liên tục cập nhật thông tin từ chi nhánh ở hai địa phương Hải Phòng, Quảng Ninh và một số địa phương khác để đánh giá mức độ thiệt hại của khách hàng.
Phía BIDV coi đây là nhiệm vụ cấp bách cần được ưu tiên, đánh giá từng trường hợp khách hàng để có phương án cơ cấu lại nợ, giãn nợ, giảm lãi…, ban hành gói tín dụng với mức lãi suất hợp lý, quy mô hợp lý để đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp hồi phục sau cơn bão.
Theo Phó Thống đốc, các đơn vị trong ngành Ngân hàng cũng cần quan tâm, xem xét hoàn cảnh của các cán bộ, nhân viên của chi nhánh, nếu có khó khăn, ảnh hưởng của bão,cần có biện pháp hỗ trợ ngay. Ngoài ra, tiếp tục đảm bảo an toàn hoạt động về vấn đề kho quỹ, ứng phó với ngập lụt sau bão. Cùng với đó, tiếp tục chỉ đạo việc thống kê thiệt hại của bão số 3 đối với ngành Ngân hàng trên địa bàn, thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát đối với các TCTD, đảm bảo các chính sách của NHNN về hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nhanh chóng đi vào cuộc sống.
"Tuy nhiên, cũng cần đảm bảo nguyên tắc hỗ trợ khách hàng nhưng không để xảy ra tình trạng lợi dụng chính sách”, ông Đào Minh Tú cho biết.
Phó Thống đốc cũng đề nghị NHNN chi nhánh có thể nghiên cứu, đề xuất chính sách phù hợp với địa phương của mình. Với các TCTD, Phó Thống đốc yêu cầu nhanh chóng rà soát từng trường hợp khách hàng, làm rõ mức độ thiệt hại, nắm được những nguyện vọng, đề xuất của khách hàng; đồng thời, trở thành “chỗ dựa” cho doanh nghiệp, không thu nợ bằng mọi cách mà phải linh hoạt, thể hiện trách nhiệm chia sẻ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi.
Đối với Hội sở chính của các ngân hàng, Phó Thống đốc yêu cầu nhanh chóng cấp kinh phí đủ để chi nhánh khắc phục ngay những tổn thất đã xảy ra. Ngoài ra, cũng cần xem xét điều chỉnh lại các cơ chế, chính sách, điều chuyển vốn giữa các chi nhánh, kế hoạch chỉ tiêu kinh doanh của chi nhánh, điều chỉnh bớt chỉ tiêu cho chi nhánh khó khăn…