Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, dịch COVID-19 đã làm thay đổi toàn bộ đời sống xã hội và cách thức con người liên lạc với nhau để làm việc, học tập và giải trí từ trực tiếp sang gián tiếp, thông qua các phương tiện điện tử được kết nối internet như: điện thoại, máy tính, hay các thiết bị điện tử thông minh khác.
Các khái niệm như thương mại điện tử, kinh doanh điện tử, giải pháp điện tử, y tế điện tử đang trở nên quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam. Đặc biệt, y tế điện tử là một lĩnh vực kết hợp giữa tin học y tế, y tế công cộng và kinh doanh, đề cập đến các dịch vụ y tế và thông tin được cung cấp hoặc nâng cao thông qua internet và các công nghệ liên quan.
Theo nghĩa rộng hơn, thuật ngữ này không chỉ đặc trưng cho sự phát triển kỹ thuật mà còn thể hiện tinh thần, cách suy nghĩ, thái độ và cam kết đối với tư duy toàn cầu, được nối mạng. Điều này nhằm cải thiện chăm sóc sức khỏe tại địa phương, khu vực và trên toàn thế giới bằng cách sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông.
Trước những đợt dịch bệnh bùng phát với số ca nhiễm bệnh tăng cao kỉ lục khiến cho hệ thống y tế quá tải, rất nhiều các quốc gia như Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản, Ấn Độ… đã đẩy mạnh các dịch vụ y tế trực tuyến và đây chính là phương thức hiệu quả giúp các quốc gia quản lý đại dịch và các khủng hoảng liên quan đến sức khỏe.
Thống kê của Công ty nghiên cứu thị trường Statista 2021 cho thấy, hơn 21 tỷ USD đã được đầu tư vào việc phát triển các công cụ kỹ thuật số phục vụ cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe trong năm 2020, cao gấp hơn 20 lần so với năm 2010. Ngay cả trước đại dịch COVID-19, nhu cầu sử dụng các công cụ y tế kỹ thuật số cũng đã tăng mạnh và người tiêu dùng cũng có xu hướng tích cực đón nhận việc chăm sóc sức khỏe trên nền tảng số.
Tuy nhiên, dịch COVID-19 như là một cú hích làm thị trường này bùng nổ. Thị trường y tế điện tử toàn cầu trị giá khoảng 175 tỷ USD năm 2019 và theo cách tính toán tốc độ tăng trưởng hằng năm kép (CAGR), dự kiến đến năm 2025, giá thị trường này sẽ đạt gần 660 tỷ USD.
Vì vậy, y tế điện tử là một lĩnh vực kết hợp giữa tin học y tế, y tế công cộng và kinh doanh. Các dịch vụ y tế và thông tin được cung cấp hoặc nâng cao thông qua internet và các công nghệ liên quan. Nhiều các quốc gia đã đẩy mạnh các dịch vụ y tế trực tuyến, coi đây chính là phương thức hiệu quả giúp các quốc gia quản lý đại dịch và các khủng hoảng liên quan đến sức khỏe.
Thế nhưng, bên cạnh lợi ích, quá trình triển khai cũng tiềm ẩn những nguy cơ xâm phạm đến quyền lợi người dùng dịch vụ như vấn đề cung cấp thông tin, chất lượng hàng hóa - dịch vụ, lừa đảo, chiếm đoạt và sử dụng trái phép các thông tin cá nhân của người dùng…Do đó, xây dựng và phát triển một hệ thống y tế điện tử hoạt động hiệu quả là yêu cầu bức thiết đối với mọi quốc gia trong bối cảnh dịch bệnh.
Trước bối cảnh này, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho rằng, để nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ được cung cấp, các đơn vị cần tăng cường tiếp nhận và xử lý yêu cầu của người sử dụng liên quan đến các vấn đề về cung ứng, bình ổn giá, kiểm soát chất lượng dịch vụ y tế, vật tư y tế và hàng hóa thiết yếu. Những hành vi gian lận thương mại gây ảnh hưởng tới quyền và lợi ích của người sử dụng cần được xử lý nghiêm.
Hơn nữa, dịch vụ y tế điện tử là một lĩnh vực chuyên sâu liên quan đến sức khỏe người dùng. Tuy nhiên, rất ít người sử dụng có đủ kiến thức đánh giá tính chính xác, thường dựa hoàn toàn vào thông tin của bên cung cấp hàng hóa, dịch vụ.
Theo đó, các đơn vị chức năng phụ trách cần tăng cường xử lý các hành vi cung cấp thông tin và quảng cáo không chính xác, chứa các nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe hoặc các hành vi lừa đảo được lan truyền trong cộng đồng.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cũng chỉ ra rằng, thực tế, đối với dịch vụ y tế, người dùng thường dễ dàng trao thông tin cá nhân và đồng ý cho các bên có liên quan khác khai thác dữ liệu.
Trong nhiều trường hợp, người dùng không yêu cầu dữ liệu cá nhân phải được bảo vệ đúng cách, ít quan tâm đến các chính sách bảo mật. Các cơ quan tham gia dịch vụ y tế điện tử cần giám sát các tổ chức, cá nhân kinh doanh thực hiện đúng và đầy đủ trách nhiệm trong việc bảo vệ thông tin cá nhân của người dùng.
Đặc biệt, theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, cần khuyến khích nâng cao việc thực hiện các trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm đạo đức của doanh nghiệp.
Do đặc thù, các dịch vụ y tế điện tử không chỉ là vấn đề kinh doanh các sản phẩm, hàng hóa y tế mà còn liên quan đến vấn đề đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội. Vì vậy, bên cạnh việc giám sát, xử lý vi phạm, cần xây dựng các cơ chế khuyến khích thực hiện trách nhiệm đạo đức với người dùng sản phẩm, dịch vụ.