Theo thống kê, hiện trên địa bàn thị trấn Hồ có gần 250 hộ nuôi gà Hồ; trong đó, trên 30 hộ nuôi gà Hồ tham gia theo mô hình hợp tác xã để bảo tồn giống và hơn 200 hộ nuôi gà thương phẩm để bán. Dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, thị trấn cung cấp ra thị trường khoảng hơn 1.000 con gà thương phẩm.
Năm nay, gia đình anh Dương Hữu Dũng ở thôn Lạc Thổ nuôi 200 con gà Hồ, tăng 80 con so với Tết Nguyên đán năm ngoái. Anh Dũng cho biết, gà Hồ là sản vật "tiến vua" nên có giá cao hơn những loại gà khác. Tùy vào trọng lượng, gà Hồ nặng 4-4,5 kg/con có giá 400.000 đồng/kg; gà nặng từ 5-6 kg/con có giá 500.000 đồng/kg.
"Hiện tại, 100 con Hồ của gia đình tôi đã được khách hàng đặt mua. Thường đến 29 Tết là gia đình tôi không còn gà để bán. Mỗi năm, trừ chi phí gia đình tôi thu lãi được khoảng 80 triệu đồng", anh Dũng nói.
Theo ông Nguyễn Đăng Chung, một hộ nuôi gà Hồ "có tiếng" ở làng Lạc Thổ, từ năm 2017, gà Hồ được công nhận nhãn hiệu tập thể nên mỗi dịp Tết Nguyên đán nhu cầu gà thương phẩm tăng mạnh. Khách đến đặt mua khắp các tỉnh, thành phố, trong khi gà Hồ luôn trong tình trạng "cháy hàng".
Ông Chung cho biết: "Để nuôi được một con gà Hồ đạt chuẩn, gia đình tôi nuôi từ 10-11 tháng. Năm nay là năm nhuận nên gà Hồ được nuôi 12 tháng. Hiện số gà Hồ thương phẩm của gia đình đã được khách đặt mua hết. Những năm trở lại đây, gà Hồ được niêm yết từ với giá 400.000-500.000/kg nên khách hàng đặt mua sẽ không phải trả giá".
Ông Chung cho biết thêm, nuôi gà Hồ đã khó việc "tuyển chọn" gà Hồ để bảo tồn gen lại càng khó hơn. Để có được một con gà Hồ chuẩn, người nuôi phải tuyển chọn nhiều lần. Khi gà Hồ mới nở, chúng tôi phải chọn những con nhanh, mắt sáng và dáng dấp chuẩn, đến khi gà được 1 tháng tuổi, chúng tôi sẽ chọn những con trống và mái. Đến thời kỳ gà đạt trọng lượng 2,5 kg, đối với gà trống là những con có màu mã mận, màu mã lĩnh mã thó, còn gà mái là những con có màu mã thó, mã nhãn, mã sẻ sẽ được chọn. Khi gà mái bắt đầu đẻ, chúng tôi sẽ chọn những con trống khỏe và gà mái là những con đẻ trứng to.
Cùng với đó, việc bảo tồn giống gà Hồ còn gặp nhiều khó khăn, vì đa phần các hộ nuôi theo hộ gia đình, theo kiểu "mạnh ai người ấy làm".
Thời gian tới, các hợp xã nuôi gà Hồ mong muốn tỉnh tạo quỹ đất để xây dựng Trung tâm phát triển và bảo tồn giống gà Hồ; đồng thời, có chính sách hỗ trợ người dân nhân rộng gà Hồ thương phẩm để đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong dịp Tết Nguyên đán.
Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh cho biết, giống gà Hồ được người dân địa phương bảo tồn và phát triển hàng trăm năm nay. Gà Hồ không chỉ là hình mẫu biểu tượng trong nghệ thuật mà nó còn trở thành thú chơi tao nhã của người dân làng Lạc Thổ nói riêng, người dân huyện Thuận Thành nói chung.
Theo ông Thịnh, để nâng cao giá trị kinh tế cho người dân nuôi gà Hồ trong vùng, tỉnh Bắc Ninh đã có chính sách hỗ trợ cơ sở đủ điều kiện chọn, tạo, nuôi giữ giống gà Hồ và hỗ trợ chăn nuôi, nhưng chính sách này vẫn chưa lan tỏa đến các hộ nuôi truyền thống. Thời gian tới, huyện Thuận Thành sẽ xây dựng đề án nhằm khuyến khích, huy động các tổ chức, cá nhân tham gia nuôi và phát triển gà Hồ.
Gà Hồ là giống gà to, mau lớn, có ngoại hình màu sắc đẹp, thân hình cường tráng, hùng dũng nhưng lại hiền hậu. So với các giống gà khác gà Hồ có đặc điểm chung là đầu gộc, mào gà (cả trống và mái) đều là mào sít (mào con chim sít), cao trường, vẩy chân mịn, mầu đỗ lành (hạt đỗ tương), ngón chân mập.
Gà Hồ trống chuẩn có đặc điểm đầu gộc, mào sít, mã mận (màu mận chín) hoặc mã lĩnh (đen), đuôi nơm, chân to màu hạt đậu nành, vẩy chân mịn, vóc con gà trường, dáng oai phong, hùng dũng, khi trưởng thành con trống luôn hội đủ 5 phẩm chất của bậc quân tử: Văn, vũ, dũng, nhân, tín. Gà mái cũng có đầy đủ các tiêu chí như gà trống, nhưng khác là gà mái nhỏ hơn, dáng bầu bĩnh, hiền lành và có 3 màu: Mã thó (mầu đất thó); Mã nhãn (mầu quả nhãn chín) và Mã sẻ (màu lông con chim sẻ), ông Chung chia sẻ.
Theo người dân ở làng Lạc Thổ, điều đặc biệt nhất là gà Hồ trưởng thành nặng trung bình từ 5 - 7kg và được mệnh danh là "Đệ nhất đô vật". Gà Hồ được nuôi bằng phương pháp tự nhiên dân dã nên thịt rất thơm, có giá trị dinh dưỡng cao. Với những đặc trưng và phẩm chất như vậy nên xưa kia gà Hồ được chọn làm sản vật dâng lên vua chúa nên gà Hồ còn được gọi là gà "tiến vua". Ngày nay, mức độ quý hiếm và giá trị của gà Hồ được thể hiện khi người dân chủ yếu mua làm đồ cúng lễ, biếu tặng trong các dịp lễ, Tết.