Bàn giải pháp phát triển kinh tế tập thể vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Ngày 20/12, tại thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội nghị trao đổi kinh nghiệm về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với sự tham gia của 28 tỉnh, thành phố trong cả nước cùng đại diện các sở, ngành, cơ quan liên quan của tỉnh và đông đảo hợp tác xã, tổ hợp tác, quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn.

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội nghị. 

Đại diện lãnh đạo Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Ủy ban Dân tộc chủ trì hội nghị.

Trong giai đoạn 2021 - 2023, Liên minh Hợp tác xã các tỉnh, thành phố đã thực hiện bám sát Nghị quyết Đại hội Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, giữ vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh, làm cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã. Việc triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia gồm: Xây dựng nông thôn mới; Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Giảm nghèo bền vững đã giúp  khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã có nhiều chuyển biến tích cực.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thái Nguyên cho biết, khu vực 28 tỉnh, thành phố hiện đã có khoảng 3.000 hợp tác xã, gần 5.000 tổ hợp tác, 19 quỹ tín dụng nhân dân đang hoạt động thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần tạo việc làm cho trên 150.000 lao động với mức thu nhập bình quân từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng. Trong số đó, khoảng 600 hợp tác xã đã ứng dụng công nghệ cao vào quá trình sản xuất kinh doanh và gần 500 đơn vị áp dụng sản xuất theo chuỗi giá trị.

Tính đến thời điểm hiện tại, các tỉnh, thành phố đã có hơn 900 hợp tác xã hoạt động hiệu quả thuộc các xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao và gần 4.700 chủ thể OCOP đạt 3 sao trở lên; trong đó có 12 sản phẩm được xếp hạng cấp quốc gia OCOP 5 sao. Trong các chủ thể, có 38,3% là hợp tác xã, 26,1% là doanh nghiệp và 33,3% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác, Điều này, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, tăng thu nhập, xoá đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống, hội nhập miền núi với sự phát triển của cả nước.

Ông Đặng Tiến Hùng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Ủy ban Dân tộc) đánh giá, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia vẫn tồn tại khó khăn. Đó là hoạt động của một số hợp tác xã chưa đạt hiệu quả như mong muốn, chưa có sức lan toả, chưa tạo sự gắn kết giữa thành viên với người dân; ngành nghề kinh doanh không đa dạng, sản phẩm tạo ra chưa có tính cạnh tranh cao, khó tiêu thụ, sản phẩm chưa được đăng ký nhãn hiệu hàng hoá.

Ngoài ra, phần lớn các hợp tác xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có quy mô nhỏ, số lượng thành viên ít, hoạt động chủ yếu ở khâu dịch vụ đầu vào, chưa làm tốt khâu đầu ra. Đặc biệt, việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia ở những huyện nghèo còn khó khăn do địa hình phức tạp, năng lực thực thi còn hạn chế, nhiều dự án mới nên đòi hỏi thời gian chuẩn bị dài ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân. Bên cạnh đó, kết quả giảm nghèo chưa mang tính bền vững, tỷ lệ hộ tái nghèo còn cao, tỷ lệ hộ nghèo phát sinh tương đối lớn so với tổng số hộ thoát nghèo…

Bàn giải pháp phát triển kinh tế tập thể vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong năm 2024, hầu hết các đại biểu thống nhất cho rằng cần tiếp tục nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về bản chất, vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã trong xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của thành viên và người lao động. Đồng thời, tích cực vận động phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã theo hướng đa ngành nghề. Chủ động và tích cực phối hợp với sở, ban, ngành, địa phương trong việc thực hiện và triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia.

Tin, ảnh: Thu Hằng (TTXVN)
Quảng Ninh lấy kinh tế tập thể làm nòng cốt phát triển nông nghiệp
Quảng Ninh lấy kinh tế tập thể làm nòng cốt phát triển nông nghiệp

Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể (KTTT) với nhiều hình thức hợp tác đa dạng, mà nòng cốt là các hợp tác xã (HTX). Thông qua các mô hình KTTT đã hình thành chuỗi liên kết sản xuất giữa người dân với doanh nghiệp, thị trường, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN