Tỉnh Tiền Giang có 32 km bờ biển án ngữ giữa hai vàm Soài Rạp (sông Vàm Cỏ) phía bắc và cửa Tiểu (sông Tiền) phía nam có lợi thế về đánh bắt thủy hải sản. Nghề biển cũng là nghề truyền thống của nhiều địa phương: thị xã Gò Công, Gò Công Đông, Tân Phú Đông, Tp Mỹ Tho... thu hút đông đảo lao động trong và ngoài tỉnh. Nhiều ngư dân nhiều năm liền kiên trì bám biển đánh bắt thủy hải sản khơi xa mà khá giả hẳn lên. Ông Phạm Văn Lớn, cư ngụ tại xã Vàm Láng, huyện Gò Công Đông, một ngư dân giỏi trở nên khá giả nhờ khai thác biển.
Ông Phạm Văn Lớn cho biết, nghề đánh bắt hải sản là nghề truyền thống của bà con Vàm Láng trong đó có gia đình ông. Nghề biển tại đây thu hút trên 70% lao động. Thời trước, nghề này chủ yếu dựa theo kinh nghiệm cha truyền con nối, chưa nắm chắc ngư trường, tay nghề yếu và sóng gió bất thường nên sản lượng bấp bênh và thu nhập không cao. Ngày nay, với sự hỗ trợ nhiều mặt của ngành thủy sản, sự trợ giúp của các trang thiết bị đánh bắt hiện đại, phương tiện tốt và chắc chắn... nên việc khai thác thủy sản bắt đầu thuận lợi. Gia đình ông Phạm Văn Lớn hiện có 2 phương tiện hành nghề cào xiêm chuyên khai thác tôm, cá, mực và ghẹ; mỗi phương tiện có 6 thủy thủ.
Hai chiếc tàu cào xiêm của ông Phạm Văn Lớn hoạt động gần như quanh năm, kể cả lúc thời tiết mưa gió không thuận lợi. Do khai thác khơi xa nên mỗi chuyến kéo dài từ 20 – 25 ngày, bình quân mỗi năm thực hiện 10 chuyến ra khơi. Ông Phạm Văn Lớn phấn khởi cho biết, nhờ các yếu tố đội ngũ thủy thủ giàu kinh nghiệm, phương tiện bảo đảm và sự hỗ trợ của các thiết bị hiện đại, đội tàu đánh bắt của ông hầu như chuyến nào cũng trúng lớn. Trung bình sau một chuyến ra khơi, mỗi phương tiện đạt sản lượng: tôm 700 – 800 kg, ghẹ từ 1 đến 1,2 tấn, khô mực 100 – 120 kg, cá các loại từ 1 đến 1,5 tấn và cá phân từ 1 đến 1,5 tấn. Trị giá sản phẩm thu được khoảng 70 triệu đồng. Trừ chi phí, mỗi chuyến gia đình ông lãi 12 triệu đồng, tính chung lãi 250 triệu đồng/năm.
Ở xã Vàm Láng, ông Phạm Văn Lớn nổi tiếng là ngư phủ bất bại. Theo ông, để đạt được thành công trong nghề đi biển, ngư dân cần tập trung nguồn vốn đầu tư, mua sắm thiết bị hiện đại phục vụ đánh bắt kết hợp với phát huy tốt kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình làm nghề. Ông nhận định, ngư dân địa phương không thiếu kinh nghiệm, tay nghề vững vàng nhưng chưa mạnh dạn đầu tư phương tiện và thiết bị hiện đại đánh bắt khơi xa. Ngoài ra, sự liên kết, hỗ trợ nhau sản xuất giữa các ngư dân hết sức cần thiết. Kiên trì bám biển, đánh bắt khơi xa theo chủ trương của Nhà nước, ngư dân Phạm Văn Lớn không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn thiết thực khẳng định chủ quyền biển đảo quê hương.
Minh Trí