Hỗ trợ quản lý hiệu quả chi tiêu
Theo khảo sát của Tổ chức tài chính vi mô CEP (trực thuộc Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh), có hơn 90% công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn nhận biết được thế nào là "tín dụng đen" và tác động tiêu cực nếu vay lãi suất cao. Trên 46% người được khảo sát cho biết bản thân hoặc người quen từng là nạn nhân của "tín dụng đen", hơn một nửa số người vay từng bị đe dọa, hành hung.
Đặc biệt, gần 20% người được khảo sát cho biết vẫn sẽ cân nhắc hoặc vay "tín dụng đen" do gặp rủi ro đột xuất trong cuộc sống, cần tiền để trang trải quá gấp mà không có dự phòng, vay tiền ở các tổ chức tài chính chính quy nhiều thủ tục, thời gian lâu...
Từ khảo sát trên, ông Nguyễn Tấn Đạt, Phó Tổng Giám đốc CEP cho biết, đơn vị cùng tổ chức Công đoàn xây dựng đề án “Tổ chức Công đoàn phòng, chống “tín dụng đen” trong công nhân lao động”, trọng tâm là tư vấn, tuyên truyền tác hại “tín dụng đen”, hướng dẫn quản lý chi tiêu gia đình, giới thiệu sản phẩm - dịch vụ CEP, tặng quà hỗ trợ đoàn viên Công đoàn, người lao động có hoàn cảnh khó khăn.
“Điểm nhấn của đề án là chương trình cho vay khẩn cấp, hỗ trợ khách hàng khoản vay nhỏ ngắn hạn để giải quyết các nhu cầu cấp thiết do bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh với lãi suất 0,5%/tháng; thủ tục, hồ sơ vay vốn đơn giản, dễ dàng. Chương trình tiết kiệm theo khoản vay nhằm giúp người lao động tiết kiệm, giảm thiểu rủi ro trong cuộc sống…”, ông Nguyễn Tấn Đạt chia sẻ.
CEP đưa ra nhiều sản phẩm tín dụng với lãi suất thấp từ 0,4 - 0,72%/tháng và hoàn trả linh hoạt (hàng tuần hoặc tháng). Các nhân viên CEP tận tình tư vấn sản phẩm phù hợp, phục vụ tại nơi ở hay nơi làm việc của khách hàng mà không thu thêm bất kỳ khoản phí nào trong suốt quá trình người lao động tham gia vay vốn.
Chị Chu Thị Thanh Thủy, người lao động vay vốn từ CEP cho biết, với phương thức hoàn trả phù hợp, lãi suất thấp, vốn vay từ CEP giúp nhiều gia đình tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Nhiều người sau khi vay đã giới thiệu cho những người khác, nhất là lao động nghèo để nhận được sự trợ giúp an toàn.
Từ những khoản vay của CEP, nhiều người lao động đã sửa được nhà, chữa bệnh, đóng học phí cho con... Thông qua nguồn vốn kịp thời, CEP đã can thiệp kịp thời các trường hợp lún sâu vào “tín dụng đen”.
Đồng hành cùng công nhân lao động trong nhiều năm qua, ông Võ Khắc Bình, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Quận 7 cũng xác nhận, việc hỗ trợ khẩn cấp, kịp thời với thủ tục nhanh gọn góp phần giải tỏa những bức bách cũng như hạn chế tối đa trường hợp người lao động tìm đến “tín dụng đen”. Đặc biệt, việc tư vấn rõ, cụ thể phương pháp hoàn trả linh hoạt, hướng dẫn giải pháp tiết kiệm, quản lý chi tiêu gia đình hiệu quả giúp công nhân, người lao động không chỉ hiểu mà còn hình thành thói quen trong sinh hoạt, đảm bảo ổn định cuộc sống lâu dài.
Theo Liên đoàn Lao động thành phố, bình quân sau 3 năm tiếp cận nguồn vốn, công nhân, người lao động thành thị tăng thu nhập 38%, ở khu vực nông thôn tăng 22%. Hoạt động của CEP góp phần cải thiện an sinh xã hội cho công nhân, người lao động, nhất là tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, góp phần đẩy lùi nạn “tín dụng đen”.
Tăng nguồn vốn vay, mở rộng phạm vi, đối tượng
Hiện nay, ngoài hệ thống ngân hàng, ngân hàng chính sách, trên phạm vi cả nước có nhiều tổ chức tài chính hỗ trợ công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn vay vốn hoặc mua sắm hàng hóa tiêu dùng gia đình trả góp. Các cấp Công đoàn đã chủ động phối hợp với nhiều đối tác tổ chức hoạt động kết nối, tạo điều kiện để ngân hàng, tổ chức tín dụng hợp pháp tiếp cận, cung cấp dịch vụ phù hợp công nhân lao động.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Công ty Tài chính trách nhiệm hữu hạn Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE CREDIT) và Công ty Tài chính trách nhiệm hữu hạn HD Saison (HD Saison) thuộc HDBank triển khai gói vay ưu đãi 20.000 tỷ đồng. Chương trình không chỉ trợ vốn cho công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp mà còn hướng đến xây dựng thói quen vay tiêu dùng văn minh, quản lý tài chính lành mạnh, hiệu quả...
Theo ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các hoạt động trên nhằm tăng cường nguồn vốn, mở rộng phạm vi, đối tượng; giải quyết nhu cầu vay vốn cấp thiết của công nhân, người lao động. Các cam kết giữa tổ chức Công đoàn và tổ chức tài chính không chỉ hỗ trợ lãi suất mà còn tạo điều kiện thuận lợi, thủ tục thông thoáng giúp người lao động tiếp cận nguồn vốn, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi “tín dụng đen”.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Đình Đức, Phó Tổng Giám đốc Công ty Tài chính trách nhiệm hữu hạn HD Saison chia sẻ về ưu đãi dành cho công nhân, người lao động như thủ tục nhanh gọn, lãi suất khoảng 15%. Tổ chức Công đoàn giữ vai trò kết nối để người lao động tiếp cận gói vay với mức lãi suất thấp trên thị trường cho vay tín chấp hiện nay.
Mới đây, Tổ chức Tài chính vi mô CEP đã ký kết phối hợp phòng, chống “tín dụng đen” trong công nhân lao động với Liên đoàn Lao động 9 tỉnh phía Nam. Trong giai đoạn 2023-2028, CEP đặt mục tiêu cung cấp sản phẩm tín dụng cho 1,4 triệu lượt công nhân, hộ gia đình với hơn 50.000 tỷ đồng. Các đơn vị tham gia ký kết tăng cường phối hợp, cam kết, trách nhiệm và hiệu quả trong việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động, giảm thiểu tác hại “tín dụng đen”. Các bên ký kết tăng khả năng tiếp cận sản phẩm dịch vụ của CEP cho người lao động; nâng cao kiến thức tài chính, phòng tránh “tín dụng đen” và quản lý hiệu quả tài chính cá nhân; bổ sung nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vay vốn của người lao động.
Theo bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, các hoạt động của tổ chức tài chính đã và đang góp phần phòng, chống “tín dụng đen” trong công nhân hiệu quả, thiết thực. Qua đó, góp phần nâng cao vai trò, vị trí của tổ chức Công đoàn trong việc chăm lo cho đoàn viên, công nhân viên chức lao động. Để phòng chống “tín dụng đen”, đáp ứng nhu cầu vay vốn, phát triển của đoàn viên Công đoàn và người lao động, tổ chức tài chính cần tăng nguồn vốn, tăng tỉ lệ cho vay, mở rộng phạm vi hoạt động. Các đơn vị cần có chiến lược phát triển bài bản, đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, tăng cường ứng dụng công nghệ, quản trị rủi ro, nhất là quản trị thanh khoản, tính toán phù hợp về nguồn vốn, dòng tiền, cơ cấu cho vay dài hạn, ngắn hạn… để luôn đảm bảo an toàn.
Ngân hàng Nhà nước sớm công khai tên các tổ chức tài chính được cấp phép hoạt động giúp công nhân, người lao động khi có nhu cầu vay vốn dễ dàng chọn lọc, tránh bị rơi vào bẫy “tín dụng đen”...
Theo Liên đoàn Lao động thành phố, để bảo vệ quyền lợi ích của đoàn viên, công nhân lao động và cán bộ Công đoàn, giúp họ yên tâm lao động sản xuất góp phần giữ vững an ninh trật tự, các cấp Công đoàn đang phát huy vai trò của mình, tăng cường tuyên truyền phương thức, thủ đoạn, tác hại của “tín dụng đen”, giúp công nhân lao động nhận biết, cảnh giác, tố giác. Công đoàn chủ động triển khai nhiều chương trình phúc lợi đoàn viên; tập trung chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động về lương, thưởng, bữa ăn ca, nhà ở, nhà trẻ, có chính sách hỗ trợ đoàn viên, công nhân lao động nghèo, gặp hoàn cảnh khó khăn…
Có thể thấy, việc đồng loạt ra quân phòng, chống “tín dụng đen” của các cấp, ngành chức năng, Mặt trận, đoàn thể thành phố cùng tổ chức tài chính, tín dụng ngân hàng và chính quyền địa phương đã góp phần đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi, không để “tín dụng đen” thâm nhập vào trong cộng đồng./.