Theo đó, tỉnh xác định phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong nông nghiệp, nông thôn là trọng tâm, với phương châm tích cực, hiệu quả, chủ động và phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, tôn trọng nguyên tắc tự nguyện, chú trọng chất lượng hợp tác xã; tham gia tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Liên minh Hợp tác xã tỉnh sẽ tổ chức các hoạt động hỗ trợ có hiệu quả các đơn vị thành viên, các hợp tác xã trong sản xuất kinh doanh; trọng tâm là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hợp tác xã; hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh; tìm kiếm thị trường; tiêu thụ sản phẩm.
Bắc Giang cũng sẽ hỗ trợ tài chính từ các nguồn lồng ghép cho phát triển hợp tác xã nông nghiệp, ưu tiên hợp tác xã mô hình điểm, các hợp tác xã sản xuất ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm.
Đồng thời, ban hành một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã nông nghiệp, liên hiệp hợp tác xã trên địa bàn, bao gồm: thuế thu nhập doanh nghiệp; hỗ trợ lãi suất; tập trung đất đai; xây dựng nhãn hiệu, bao bì nhãn mác sản phẩm, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước dành riêng cho khu vực hợp tác xã; đào tạo nguồn nhân lực.
Bắc Giang cũng nhân rộng các hình thức tổ chức sản xuất, chuỗi giá trị đã hình thành có hiệu quả, phù hợp với thực tiễn phát triển nông nghiệp địa phương. Tỉnh hướng dẫn, hỗ trợ nông dân hình thành, phát triển các hợp tác xã trong nông nghiệp theo chuỗi giá trị....
Bên cạnh đó, tỉnh cũng chỉ đạo đổi mới tổ chức sản xuất trong nông nghiệp theo hướng hợp tác, liên kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ giữa nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác, liên hiệp hợp tác xã với doanh nghiệp; trong đó, doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt, nhất là tại các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh các sản phẩm chủ lực…
Đến tháng 8/2021, tỉnh Bắc Giang có 585 hợp tác xã nông nghiệp, tăng 322 hợp tác xã so với năm 2013, trung bình tăng khoảng 40 hợp tác xã/năm. Trong số đó có 44 hợp tác xã đang tạm ngừng hoạt động. Về loại hình, có 322 hợp tác xã trồng trọt; 82 hợp tác xã chăn nuôi; 40 hợp tác xã thủy sản và 141 hợp tác xã tổng hợp.
Tỉnh Bắc Giang có 48 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; khoảng 175 hợp tác xã có các hoạt động liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông sản với các doanh nghiệp, đơn vị đầu mối thu mua.
Hợp tác xã rau sạch Yên Dũng, địa chỉ thôn Huyện, xã Tiến Dũng, huyện Yên Dũng, là một hợp tác xã điển hình về hoạt động sản xuất kinh doanh tại tỉnh Bắc Giang, với sản phẩm cung cấp chủ lực là các loại rau, củ, quả sạch sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Hợp tác xã có 2 sản phẩm OCOP 4 sao và 2 sản phẩm 3 sao. Hợp tác xã này được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 9/2016 với quy mô sản xuất 60 ha với hơn 100 lao động; trong đó, có khoảng 13 ha nhà lưới công nghệ cao với hệ thống tưới nhỏ giọt và bón phân tự động của Israel.
Trong hoạt động điều hành hợp tác xã, tổ chức bộ máy quản lý đầy đủ, khoa học với các phòng, bộ phận chức năng, việc phân chia thu nhập cho các thành viên được thực hiện nghiêm túc theo giá trị vốn góp của từng thành viên tham gia.