Huyện Lục Ngạn sẽ tổ chức phương tiện và lực lượng đón các thương nhân Trung Quốc tại cửa khẩu Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn để đưa về các khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn huyện thực hiện cách ly tập trung đủ thời gian 14 ngày theo quy định. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của huyện đã chủ động chuẩn bị phương án tổ chức cách ly, các điều kiện về lực lượng và chuyên môn y tế, cơ sở vật chất, hậu cần, an ninh trật tự... đảm bảo đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch cho các thương nhân.
Trên địa bàn huyện Lục Ngạn có 29 khách sạn, nhà nghỉ với 338 phòng, 454 giường, sức chứa tối đa 750 khách. UBND huyện đã bố trí 5 khách sạn, nhà nghỉ để đón thương nhân nước ngoài đến cách ly y tế tập trung đủ 14 ngày.
Sau thời gian cách ly y tế tập trung đủ 14 ngày, căn cứ kết quả xét nghiệm COVID-19 theo quy định, các thương nhân nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành cách ly y tế và được hoạt động giao dịch, thu mua vải thiều bình thường tại địa phương.
Trước đó, để tạo thuận lợi cho tiêu thụ vải thiều, huyện Lục Ngạn và tỉnh Bắc Giang có văn bản đề nghị Bộ Công an về việc cho phép thương nhân Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam thu mua vải thiều, dự kiến (khoảng 300 người) được phép nhập cảnh vào Việt Nam, qua cửa khẩu Hữu Nghị tỉnh Lạng Sơn, cửa khẩu Lào Cai đến tỉnh Bắc Giang khảo sát, đàm phán, thu mua vải thiều bằng visa du lịch.
Hiện tổng diện tích trồng vải toàn huyện Lục Ngạn khoảng trên 15.200 ha, sản lượng đạt trên 85.000 tấn; trong đó, diện tích sản xuất theo quy trình VietGap là 11.000 ha, diện tích sản xuất đạt tiêu chuẩn GlobalGap khoảng 100 ha. Dự kiến, vải thiều chính vụ thu hoạch từ 10/6 đến 30/7.
Để việc tiêu thụ vải thiều được thuận lợi trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, huyện Lục Ngạn đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ nhân dân sản xuất, chế biến và tiêu thụ vải thiều theo 3 phương án gồm: Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, kéo dài ở cả trong nước và trên thế giới; tình hình dịch bệnh được kiểm soát nhưng chưa hết dịch; tình hình dịch bệnh COVID-19 được ngăn chặn hiệu quả, các hoạt động xuất nhập khẩu trở lại bình thường.
Bên cạnh đó, các hoạt động phụ trợ phục vụ cho tiêu thụ vải thiều như thùng xốp, đá cây... cũng được huyện chuẩn bị kỹ lưỡng. Trên địa bàn huyện có khoảng 500 điểm cân của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động thu mua, tiêu thụ vải thiều; khoảng 400 lò sấy của nhân dân, có thể sấy khô từ 13.000 - 15.000 tấn quả. Các mặt hàng như thùng xốp, nước đá công nghiệp đảm bảo đáp ứng nhu cầu của thị trường với khoảng 3,7 triệu chiếc thùng xốp và 885.000 cây đá (do 3 công ty sản xuất thùng xốp, 38 kho chứa xốp, 42 cơ sở sản xuất nước đá công nghiệp trên địa bàn huyện sản xuất, cung ứng).