“Năm 2015 tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt 6,8%. Còn năm 2016 có thể đạt 6,9 đến 7% (trong khi dự báo trước đây của ANZ chỉ đạt 6,5%). Đến năm 2017, con số này có thể đạt từ 7% đến 7,5%. Từ nay đến 2017, nền kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục mạnh và sáng sủa hơn các nền kinh tế trong khu vực; thậm chí tăng trưởng kinh tế Việt Nam cao hơn tăng trưởng kinh tế Trung Quốc 1 điểm phần trăm trong năm 2017”, ông Glenn Maguire nói.
Doanh số bán ô tô là chỉ số quan trọng đo sức khỏe của nền kinh tế. Ảnh TTXVN |
Phía ngân hàng cũng đưa ra thông tin về số lượng ô tô bán ra ở Việt Nam từ tháng 1 đến tháng 8 năm nay đạt hơn 124.000 chiếc, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt con số hơn 76.000 chiếc. Điều này thể hiện niềm tin của người tiêu dùng vào triển vọng và tương lai của nền kinh tế. Doanh số bán ô tô là chỉ số quan trọng đo sức khỏe của nền kinh tế, thể hiện chỉ số niềm tin của người tiêu dùng được khôi phục.
Đại diện Ngân hàng ANZ cũng cho rằng tăng trưởng kinh tế nhanh sẽ góp phần giảm nợ công của Việt Nam, bên cạnh các giải pháp như cắt giảm chi tiêu của Chính phủ, phân bổ ngân sách...Nợ công Việt Nam chưa đáng quan ngại so với các quốc gia trong khu vực (như mức nợ công của Malaysia, Thái Lan, Singapore trong 5 năm gần đây cao hơn nhiều). ANZ dự báo nợ công Việt Nam giữ mức ổn định là 50% GDP và đây cũng là mức đỉnh cao nhất. Sau đó sẽ mức này sẽ giảm dần khi triển vọng kinh tế tăng. Tỷ lệ nợ công do ANZ đưa ra thấp hơn nhiều so với con số 59% do Bộ Tài chính đưa ra, hoặc thậm chí đến 64% do một số cơ quan nghiên cứu khác đưa ra.
ANZ còn cho rằng: Việt Nam là một trong ba quốc gia Châu Á hứa hẹn triển vọng tăng trưởng kinh tế nhanh nhất trong khu vực Châu Á, cùng với Ấn Độ và Philippines, cao hơn cả tốc độ tăng trưởng của Malaysia, Indonesia, Singapore và Thái Lan.
Thời gian gần đây, nền kinh tế Trung Quốc sụt giảm tăng trưởng có tác động sâu đến sự tăng trưởng kinh tế của Châu Á. Hiện Châu Á rơi vào hai giai đoạn suy thoái thương mại sâu, cả xuất khẩu và nhập khẩu đều sụt giảm hai con số. Song, Việt Nam là một trong ba nền kinh tế Châu Á sáng sủa hơn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu cũng như khu vực tối. Giá trị đồng tiền Việt Nam ổn định trong khi nhiều đồng tiền của các quốc gia khác yếu đi (Malaysia, Thái Lan, Indonesia) do cơ cấu xuất khẩu của các quốc gia không đa dạng.
Việt Nam cũng là quốc gia Châu Á duy nhất không bị ảnh hưởng khi nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc do Việt Nam đã đa dạng hóa được hàng xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm có hàm lượng kỹ thuật cao như điện thoại, máy tính, hàng điện tử... chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Điều này giúp củng cố sức bật, sức bền của kinh tế Việt Nam, giúp chống chọi với suy thoái kinh tế của khu vực.