Điều này đòi hỏi sự nỗ lực của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung gia tăng; kinh tế, thương mại toàn cầu đang có dấu hiệu suy giảm như hiện nay.
Không khí bảo hộ bao trùm
Theo nhận định từ giới phân tích, hoạt động xuất nhập khẩu những tháng đầu năm diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm lại với các yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng do bất đồng giữa các nước lớn về định hình hệ thống thương mại toàn cầu ngày càng sâu sắc.
Cùng đó, những thay đổi trong chính sách thương mại mới của Hoa Kỳ cũng ảnh hưởng đến việc xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam cũng như thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường này.
Cũng theo các chuyên gia thương mại, một trong những thách thức lớn đối với doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam hiện nay là hệ thống pháp luật của Hoa Kỳ đặt ra rất nhiều quy định chặt chẽ đối với hàng nhập khẩu. Ngoài luật liên bang, mỗi tiểu bang của Hoa Kỳ lại có những quy định, luật định khác nhau.
Bên cạnh đó, xu hướng bảo hộ thông qua việc ban hành các quy định, tiêu chuẩn mới, phức tạp về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc sản phẩm, nhất là đối với các sản phẩm nông - lâm - thủy sản cũng ngày càng được Hoa Kỳ tăng cường áp dụng cũng là thách thức đối với doanh nghiệp xuất khẩu.
Ở một khía cạnh khác, từ ngày 1/4, các doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu trái cây từ Việt Nam qua các cửa khẩu thuộc địa bàn tỉnh Quảng Đông - Trung Quốc khi làm thủ tục nhập khẩu phải cung cấp thêm hình ảnh chụp bao bì để được thông quan.
Ngoài ra, Trung Quốc còn siết chặt nhập khẩu tiểu ngạch để chuyển sang nhập khẩu chính ngạch nên đòi hỏi nông sản phải chứa thông tin truy xuất nguồn gốc chất lượng sản phẩm. Vì thế, chỉ có 8 loại trái cây gồm thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít và chôm chôm được xuất khẩu chính ngạch khiến mục tiêu xuất khẩu cũng trở nên khó khăn hơn.
Do những tác động trên, theo thống kê của Bộ Công Thương, tính chung cả quý I tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 58,51 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước và thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 24,5% của quý I/2018.
Riêng trong tháng 4, hoạt động xuất khẩu đạt 19,9 tỷ USD, giảm 12,6% so với tháng 3 do có số ngày làm việc ít hơn (nghỉ Giỗ Tổ và nghỉ lễ 30/4-1/5). Sang tháng 5 kim ngạch xuất khẩu có xu hướng tăng khi đạt 21,5 tỷ USD, tăng 5,2% so với tháng 4.
Cán cân thương mại của Việt Nam từ đầu năm đến nay cũng liên tục đảo chiều. Sau một thời gian liên tục xuất siêu, trong tháng 5 nhập siêu đã quay trở lại ở mức 1,3 tỷ USD và tính chung 5 tháng nhập siêu là 548 triệu USD.
Theo Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước 6 tháng đầu năm 2019 đạt 245,48 tỷ USD, mức cao nhất của 6 tháng từ trước đến nay. Nhập siêu 6 tháng giảm còn 40 triệu USD.
Theo nhận định của các chuyên gia thương mại, mặc dù xuất khẩu vào Mỹ có thể vẫn phải đương đầu với các hàng rào kỹ thuật và "cửa ải" bảo hộ, Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp Việt biết cách thích ứng và khắc phục hạn chế thì trong năm 2020 xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ có thể chạm ngưỡng 56,1 tỷ USD.
Là thị trường xuất khẩu thứ hai của Việt Nam sau Mỹ, tính đến đầu tháng 6/2019, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường EU đạt 17,3 tỷ USD, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, tốc độ tăng của xuất khẩu từ Việt Nam sang EU cũng nhanh hơn nhiều so với chiều ngược lại. Điều này cho thấy Việt Nam đang có nhiều lợi thế trong thương mại với thị trường EU.
Kỳ vọng vào lực đẩy
Nhận định về “bức tranh” xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng khẳng định không khó để nhận ra vẫn tồn tại không ít bất cập.
Đó là các mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng và an toàn thực phẩm. Bởi phần lớn các mặt hàng xuất khẩu đều chưa xây dựng được thương hiệu riêng và vững chắc.
Bên cạnh đó, tỷ lệ nhập khẩu lớn về nguyên, nhiên liệu, nhất là nguyên liệu gia công sản xuất thể hiện tính gia công trong ngành còn lớn, phụ thuộc nhiều vào thị trường cung cấp ở bên ngoài.
Điều này khiến cho nền kinh tế gặp bất lợi mỗi khi giá cả thế giới biến động tăng, làm tăng chi phí sản xuất trong nước, giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.
Năm 2019, Bộ Công Thương dự kiến kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 265 tỷ USD, tăng từ 8 - 10% so với năm 2018; nhập khẩu khoảng 268 tỷ USD, tăng khoảng 11,7%.
Như vậy, thay vì xuất siêu liên tiếp như vài năm trở lại đây, năm 2019 ước tính Việt Nam sẽ nhập siêu khoảng 3 tỷ USD. Tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu tiếp tục duy trì ở mức dưới 2%.
Phân tích sâu hơn về tình hình xuất nhập khẩu trong năm 2019, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh: Các tháng còn lại xuất khẩu tiếp tục đối mặt với xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng tăng, nhất là sau khi Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa của các nước.
Ngoài ra, Ủy ban châu Âu (EC) siết chặt mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với nông sản nhập khẩu; áp dụng các quy định về đánh bắt thủy sản hợp pháp (IUU) và sử dụng gỗ nguyên liệu hợp pháp (FLEGT); nhiều nước ban hành quy định về truy xuất nguồn gốc cũng là những rào cản với xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn đang hiện diện, dự báo kinh tế 6 tháng cuối năm có cơ hội bứt phá trước những "lực đẩy" mới. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ- Trung ngày càng tăng nhiệt, các doanh nghiệp càng chịu sức ép phải tăng năng lực cạnh tranh, tận dụng những cơ hội trong khó khăn để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Trên thực tế, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, đồng thời là thị trường có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao nhất trong 6 thị trường chủ lực...Các doanh nghiệp Việt Nam đã tìm được "cơ hội trong khó khăn". Tính đến đầu tháng 6 kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này đã đạt tới 22,6 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2018.
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng dự báo năm 2019 và các năm tiếp theo, với việc thực thi các FTA như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã và đang mở rộng cánh cửa thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Đó là cơ hội để Việt Nam kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu.
Với thị trường 508 triệu dân và tổng sản phẩm nội địa (GDP) khoảng 18.000 tỷ USD, dự kiến năm nay xuất khẩu của Việt Nam vào EU sẽ tăng thêm 4 - 6% (so với chưa có EVFTA), tương đương khoảng 19 tỷ USD và tăng thêm hơn 75 tỷ USD đến năm 2028.
Hơn nữa, EVFTA cũng đưa ra một số quy tắc trong việc tạo môi trường kinh doanh, giúp cho doanh nghiệp Việt Nam- EU có thể tiếp cận thị trường một cách thuận lợi.
Với thị trường khu vực CPTPP, Việt Nam có cơ hội thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường có độ lớn 500 triệu dân, tương đương 15% thương mại thế giới và 13,5% GDP toàn cầu.
Gọi những tác động của thương mại thế giới là ẩn số chưa thể tính được, PGS. TS Phạm Tất Thắng, chuyên gia cao cấp Bộ Công Thương cho rằng, ở thời điểm hiện tại chưa thể khẳng định Việt Nam có giữ được đà xuất siêu như những năm trước không.
Theo ông Phạm Tất Thắng, mục tiêu cân bằng cán cân thương mại, thậm chí xuất siêu bền vững, chỉ thực hiện được khi nào doanh nghiệp nội hoàn thành chuyển đổi cơ cấu sản xuất, tăng sức mạnh cạnh tranh.
Ngoài ra, cần tập trung phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ mà nòng cốt là các doanh nghiệp lớn, đa ngành có vốn "dày" để có thể xuất khẩu ổn định ra thị trường thế giới.
Hiện tại, Cục Xuất nhập khẩu đang đẩy mạnh hướng dẫn về tận dụng ưu đãi xuất xứ trong các Hiệp định thương mại tự do và đã cấp gần 500.000 bộ hồ sơ tự chứng nhận xuất xứ cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, Cục cũng đang triển khai và công bố công khai trên mạng hai đề án về chống gian lận xuất xứ trong xuất, nhập khẩu và xây dựng văn bản điều kiện đạt tiêu chí Made in Vietnam. Các văn bản này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ mạnh hơn cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Mặt khác, để tạo thế chủ động trong phát triển kinh tế, Bộ Công Thương đã tổ chức các đoàn đi làm việc trực tiếp với các địa phương để tháo gỡ khó khăn cho các dự án trọng điểm, thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu.
Hơn nữa, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi sát biến động của diễn biến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung để đưa ra kế hoạch phát triển kinh tế cụ thể và chủ động các biện pháp thúc đẩy xuất khẩu.
Đặc biệt, Bộ cũng tăng cường các giải pháp, biện pháp phát triển xuất khẩu, nhập khẩu với từng thị trường quan trọng; tìm kiếm khả năng mở rộng thị trường xuất khẩu còn tiềm năng và mở rộng thị phần hàng hóa Việt Nam với các đối tác FTA.
Với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, Bộ Công Thương chủ trương đổi mới toàn diện xúc tiến thương mại theo hướng chú trọng các chương trình xúc tiến thương mại trung và dài hạn, hướng vào một mặt hàng, một thị trường cho tới khi đạt kết quả cụ thể.
Cùng đó, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo các cơ quan Thương vụ ở nước ngoài tăng cường chủ động trong nắm bắt thông tin thị trường và các vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam để giúp Chính phủ, các bộ, ngành, hiệp hội và doanh nghiệp có phản ứng kịp thời.
Đặc biệt, Bộ hỗ trợ các hiệp hội, doanh nghiệp về thông tin cảnh báo và cách phòng tránh, xử lý các vụ kiện phòng vệ thương mại; liên tục cập nhật thông tin, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam ứng phó với các vụ việc hàng hóa xuất khẩu bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp.