Xác định chống khai thác IUU là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, thời gian qua, các cấp, các ngành và địa phương ven biển tỉnh Bình Thuận đã quyết liệt thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp, thực hiện các khuyến nghị của EC, gỡ cảnh báo "thẻ vàng" theo chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU, đặc biệt là chuẩn bị làm việc với lần kiểm tra lần thứ 4 của EC.
Theo ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm 2023 đến nay, Sở đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị tổ chức 6 Đoàn kiểm tra công tác phòng, chống khai thác IUU tại các đơn vị, địa bàn nghề cá trọng điểm và các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu thủy sản. Qua kiểm tra, đã nhắc nhở, yêu cầu các đơn vị và địa phương tiếp tục phát huy kết quả đạt được, khẩn trương khắc phục những tồn tại, hạn chế, đặc biệt là thực hiện nghiêm các quy định về chống khai thác IUU, ngăn chặn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo chống khai thác IUU của tỉnh đã thành lập đoàn công tác đến 5 tỉnh phía Nam- nơi có tàu cá của tỉnh Bình Thuận đang lưu trú, hoạt động để gặp gỡ ngư dân nhằm tuyên truyền, vận động; đồng thời làm việc với cơ quan chức năng các tỉnh đề nghị tăng cường quản lý, giám sát, kiểm tra tàu cá tỉnh Bình Thuận hoạt động tại các tỉnh. Ngoài ra, Chi cục Thủy sản, Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với các địa phương tổ chức được hơn 200 buổi tuyên truyền cho hơn 22 nghìn lượt ngư dân tham gia; trong đó, tập trung đối tượng là các tàu cá khai thác xa bờ, các nhóm nghề có nguy cơ cao vi phạm IUU. Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tập trung quản lý tàu cá, đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị VMS và phát huy hiệu quả hệ thống giám sát trong kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển…
Tính đến 28/7, Bình Thuận có tỷ lệ tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) đạt 99,7%. Ngoài ra, việc kiểm soát chặt chẽ tàu cá ra vào cảng, giám sát sản lượng lên bến; xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác cũng được các đơn vị triển khai một cách nghiêm túc, đúng quy định.
Tại cuộc họp, thành viên ban chỉ đạo cũng đã thảo luận, thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, khó khăn trong quá trình triển khai phòng, chống IUU tại địa phương như việc cấp đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cá tiến độ chậm; số lượng tàu cá không tuân thủ quy định sử dụng thiết bị giám sát hành trình, mất kết nối trên biển tỷ lệ khá cao; việc kiểm soát phòng, chống khai thác IUU tại một số cảng cá chưa chặt chẽ; nhiều hành vi vi phạm quy định trong hoạt động thủy sản chưa được xử lý nghiêm…
Ban chỉ đạo cũng kiên quyết không để tàu cá và ngư dân trong tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài, đồng thời chuẩn bị tốt các điều kiện để làm việc với Đoàn Thanh tra EC sang kiểm tra lần thứ 4 (tháng 10/2023), cùng với cả nước gỡ cảnh báo "Thẻ vàng" của EC.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Hồng Hải yêu cầu các cơ quan, đơn vị và địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU theo chỉ đạo của Trung ương và địa phương; khẩn trương khắc phục những tồn tại, hạn chế theo khuyến nghị của Đoàn Thanh tra EC sau lần kiếm tra thứ 3. Theo đó, phải hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với các tàu cá có chiều dài 15 m trở lên và thực hiện đăng ký, đăng kiểm; cấp, gia hạn Giấy phép khai thác thủy sản chậm nhất trong tháng 8/2023.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Sở, Ngành, địa phương vùng biển thành lập Tổ liên ngành để tuyên truyền, hỗ trợ ngư dân về mặt thủ tục, giấy tờ; vừa vận động ngư dân thực hiện nghiêm túc các quy định chống khai thác IUU như báo cáo xuất bến; ghi nhật ký khai thác thủy sản; không vi phạm khai thác vùng biển nước ngoài…
Cảng cá Phan Thiết tập trung rà soát lại hồ sơ, chuẩn bị kỹ lưỡng cơ sở vật chất, vấn đề vệ sinh môi trường để chuẩn bị đón tiếp Đoàn Thanh tra EC sang kiểm tra lần thứ 4.