Các nhà khoa học tin rằng họ đã phát hiện ra cách "kích" hệ miễn dịch của cơ thể người tiêu diệt tế bào ung thư. Ảnh: BBC |
Trong một phát hiện có tính đột phá, các nhà nghiên cứu thấy rằng mọi tế bào ung thư đều mang một "lá cờ" mà hệ miễn dịch có thể nhận ra được bất kể chúng biến đổi như thế nào. Cho đến nay, các biện pháp điều trị ung thư thường không thành công bởi ung thư tiến triển rất nhanh chóng và thay đổi cấu trúc liên tục khiến thuốc điều trị mất tác dụng.
Tuy nhiên, các nhà khoa học thuộc Đại học College London (UCL) và Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Anh quốc (Cancer Research UK) đã phát hiện ra rằng ngay cả khi biến đổi nhanh chóng, ung thư vẫn mang những phân tử đặc trưng không bao giờ thay đổi.
Những phân tử này là các sinh kháng thể - độc tố mà hệ miễn dịch có thể nhận biết được. Các tế bào miễn dịch chống lại các sinh kháng thể này đã tồn tại sẵn trong cơ thể nhưng với số lượng quá nhỏ để có thể phát huy hiệu quả.
Từ phát hiện này, các nhà khoa học tin rằng có thể phát triển hướng điều trị ung thư mới bằng việc thu thập hết các tế bào miễn dịch và "nhân bản" chúng trong phòng thí nghiệm với số lượng lớn rồi sau đó đưa trở lại cơ thể người bệnh. Các tế bào miễn dịch trên với khả năng định vị "lá cờ" - tức là khả năng nhận biết tế bào ung thư bất kể chúng biến đổi như thế nào - sẽ tấn công tiêu diệt các tế bào bệnh này kể cả khi nó đã lan khắp cơ thể.
Giáo sư Peter Johnson thuộc Trung tâm Nghiên cứu ung thư Anh nói rằng nghiên cứu trên đã "khỏa lấp những chỗ trống" về lý do tại sao một số biện pháp điều trị ung thư trước đây không hiệu quả. Nhà khoa học này cũng cho rằng nghiên cứu trên mang đến cho họ những căn cứ quan trọng để phát triển hướng điều trị ung thư mới sử dụng hệ miễn dịch của chính người bệnh.
Trong khi đó, Giáo sư Charles Swanton, đồng tác giả nghiên cứu trên thuộc Viện Ung thư UCL nói rằng cách tiếp cận mới trong điều trị ung thư có thể cải thiện đáng kể tỉ lệ sống cho bệnh nhân ung thư. Công trình nghiên cứu đột phá này được đăng tải trên tạp chí "Khoa học" (Science) số mới nhất.