Maria D. Fitzpatrick – Phó Giáo sư kinh tế thuộc Đại học Cornell (New York, Mỹ) và Timothy J. Moore – một giảng viên cấp cao về kinh tế trường Đại học Melbourne (Australia) đã cùng nhau thu thập và phân tích dữ liệu tử vong lấy từ Trung tâm Dữ liệu Nguyên nhân thiệt mạng Quốc gia Mỹ trong giai đoạn 1979-2012.
Kết quả nghiên cứu của họ được Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia công bố vào tháng 12 năm ngoái và được xuất bản trên Tạp chí Kinh tế Công cộng vào tháng trước.
Theo Phó Giáo sư Fitzpatrick, từ trước đến nay có nhiều nghiên cứu về điều kiện tài chính của người Mỹ khi họ nghỉ hưu. Đó là một mốc thay đổi lớn trong đời người. Mục đích nghiên cứu của họ lần này là nhằm chứng minh mốc nghỉ hưu của một người không chỉ ảnh hưởng đến tình hình tài chính mà còn trực tiếp gây nguy cơ đến sức khỏe thể chất cũng như tinh thần của một người.
Đối với những người ở độ tuổi đầu 60, họ trải qua một số thay đổi công việc, giảm giờ làm hoặc nghỉ hưu hẳn. Phạm vi bảo hiểm y tế có thể thay đổi. Những người đó có ít nguồn thu nhập hơn, hoặc có thể họ bắt đầu đăng ký nhận phúc lợi xã hội. Có khoảng 1/3 người Mỹ ngay lập tức đăng ký nhận phúc lợi xã hội khi 62 tuổi. 10% đàn ông nghỉ hưu ngay trong tháng họ bắt đầu bước sang tuổi 62.
Theo như kết quả của nghiên cứu, trong suốt 34 năm qua, số người chết mỗi năm đã tăng gấp đôi lên 800 trường hợp, vượt xa ngoài khả năng dự đoán của những người nghiên cứu. Chỉ trong 12 tháng, có 27.000 người đàn ông tử vong khi bước sang tuổi 62. Cứ 100 người đàn ông ở tuổi 62 thì có 2 người tử vong (2%). Trên thực tế, những trường hợp tử vong đó lại tập trung trong khu vực 10% người 62 tuổi đã nghỉ hưu đề cập ở trên. Chính vì vậy, thay vì con số 2% như trong báo cáo, nếu xét về mức tăng nguy cơ tử vong của người đã về hưu, thì con số phải là 20% và đó là một điều cần phải lo lắng.
Theo Phó Giáo sư Fitzpatrick, việc nghỉ hưu có thể có lợi ích về mặt dài hạn cho sức khỏe của mỗi người khi giờ đây họ có thể chăm sóc bản thân tốt hơn. Tuy nhiên, bà Fitzpatrick cũng chỉ ra nó có ảnh hưởng tiêu cực về mặt lâu dài, khi người về hưu nghĩ rằng họ đang dần rút khỏi thế giới và không còn lí do gì nữa để gắn kết tồn tại.
Ngoài ra, xét về mặt ngắn hạn, việc nghỉ hưu cũng đem lại hậu quả. Cụ thể, rất nhiều trường hợp tử vọng ghi nhận là do tai nạn giao thông. Nếu không làm việc, người cao tuổi có nhiều thời gian hơn để lái xe vòng vòng. Hoặc nếu như ngồi không, người cao tuổi rất dễ bị nhiễm thói xấu như hút thuốc, từ đó gia tăng các bệnh hô hấp như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
Bên cạnh đó, những người về hưu lúc 62 tuổi thường là những người làm việc tay chân. Họ về hưu vì sức khỏe của họ yếu dần. Nghiêm trọng hơn, mất việc có thể khiến họ cảm thấy stress, áp lực từ đó đau yếu nhiều hơn.
Chính vì vậy nghiên cứu rút ra kết luận lí giải quan trọng nhất cho tình trạng tử vong ở những người 62 tuổi có thể là do tình trạng nghỉ hưu.
Phó Giáo sư Fitzpatrick khuyên: “Chúng tôi không bảo mọi người không nên nghỉ hưu. Những nếu như bạn nghĩ về việc nghỉ, đặc biệt là khi đã 62 tuổi và sức khỏe yếu, hay nghĩ về các biện pháp phòng ngừa nâng cao sức khỏe. Hãy ăn uống khỏe mạnh, đi gặp bác sĩ, đừng chỉ ngồi một chỗ trên ghế sofa. Cẩn trọng khi lái xe. Cẩn thận hơn. Đó là khoảng thời gian phức tạp”.