DN vẫn ỷ vào nhà nước trong đầu tư khoa học

Cơ chế cho nhà khoa học chưa thỏa đáng là nguyên nhân đẩy lùi bước tiến của khoa học và công nghệ. Sẽ đến lúc người kém xây dựng chính sách cho người giỏi thực hiện, nếu không có chính sách đãi ngộ cho người làm khoa học…

 

Cán bộ Trung tâm Khoa học và sản xuất lâm - nông nghiệp Quảng Ninh kiểm tra sự phát triển của giống cây. Ảnh: Quang Quyết - TTXVN

 

Những nhà khoa học trụ lại là những người giỏi chịu đựng và nhiều đam mê, nhưng không thể giữ người giỏi bằng đam mê mà không có ưu đãi hợp lý và không có vinh danh.

 

Cốt lõi của sự phát triển


Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định: “Khoa học và công nghệ (KH&CN) là cốt lõi phát triển của quốc gia, những thành quả đạt được sau chiến tranh và công cuộc đổi mới đất nước có sự hỗ trợ đắc lực của KH&CN”. Việt Nam có 30 năm tăng trưởng ngoạn mục với tốc độ tăng GDP duy trì ổn định ở mức 7 - 8%/năm. Từ một nước nghèo, phải nhập khẩu lương thực, Việt Nam đã vươn lên thành một quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới.


Việt Nam đã thành công trong nông nghiệp, nhờ những tiến bộ khoa học đã tạo ra những giống cây, con có khả năng thích nghi với các điều kiện thời tiết khác nhau, năng suất cao; trong y học, Việt Nam đã đủ trình độ xử lý những ca phẫu thuật phức tạp với sự hỗ trợ của các thiết bị công nghệ cao, sản xuất được các thiết bị y tế hiện đại, giảm giá thành nhập khẩu thiết bị từ nước ngoài; trong ngành công nghiệp, sản xuất và chế tạo thành công nhiều thiết bị máy móc, dây chuyền sản xuất tiên tiến thay thế các thiết bị ngoại nhập, góp phần giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, ứng dụng có hiệu quả các công nghệ hiện đại phục vụ sản xuất và thi công…


Một trong những yếu tố tạo tiền đề và nền móng phát triển cho KH&CN là việc ra đời Luật KH&CN. Bộ luật đã làm thay đổi cơ bản nền khoa học Việt Nam. Ông Trần Quốc Khánh, Vụ trưởng Vụ tổ chức Cán bộ, Bộ KH&CN chia sẻ: Từ năm 1996 (thời điểm bắt đầu triển khai Nghị quyết TW2 về KH&CN) đến năm 2011, số tổ chức KH&CN tăng gấp 3 lần từ 519 lên trên 1.500, tương đương số nhân lực cũng tăng lên gấp 3, từ 22.300 người lên trên 60.500 người, đặc biệt cơ cấu trình độ cán bộ KH&CN được cải thiện đáng kể về chất. Điều này phản ánh sự tăng trưởng về số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ KH&CN trong hơn một thập kỷ qua đã đáp ứng được phần nào nhu cầu tăng trưởng kinh tế - xã hội trong thời kỳ đổi mới.


Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng, nguồn nhân lực KH&CN tăng trưởng về số lượng nhưng hiệu quả chưa cao. Đã đến lúc Việt Nam phát triển không chỉ dựa vào nguồn nhân công giá rẻ, nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có, mà cần chú trọng phát triển dựa trên tiềm lực KH&CN tiên tiến và nguồn nhân lực chất lượng với 3,6 triệu người tốt nghiệp đại học và cao đẳng, 38 ngàn thạc sỹ, 16 ngàn tiến sỹ, hơn 10 ngàn giáo sư và phó giáo sư… để phát triển KH&CN ở nước ta không còn ở mức khiêm tốn vì nền kinh tế đòi hỏi cao hơn rất nhiều.

 

Doanh nghiệp sẽ là trụ cột phát triển khoa học và công nghệ


2% tổng chi ngân sách đầu tư cho KH&CN là con số không hề nhỏ so với mặt bằng chung của các quốc gia trên thế giới. Song, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng, đứng từ góc độ tổng đầu tư của toàn xã hội cho KH&CN thì đó là con số rất thấp. Tính đến thời điểm này, đầu tư cho KH&CN từ khối doanh nghiệp chỉ bằng một nửa (khoảng 300 triệu USD - con số rất bé so với các nước trong khu vực và thế giới) so với Ngân sách nhà nước (khoảng 700 triệu USD).


Nguyên nhân chính của vấn đề vẫn là sự ỷ lại vào nhà nước, chỉ có nhà nước đầu tư cho KH&CN, doanh nghiệp không quan tâm nhiều đến vấn đề này và đáng buồn nhất là doanh nghiệp nhà nước lại càng ít hơn nữa. Chính vì dòng tiền phân bổ phụ thuộc chặt chẽ vào ngân sách nhà nước cộng thêm những “nút thắt” cơ chế về tài chính, đầu tư… đã và đang kìm hãm sự phát triển của KH&CN.


Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, nếu doanh nghiệp bỏ tiền đầu tư cho KH&CN thì sẽ đạt được hiệu quả cao hơn rất nhiều, bởi việc đầu tư đó sẽ phục vụ cho chính lợi ích và sự phát triển của doanh nghiệp. Do vậy thời gian tới, mục tiêu đầu tư từ xã hội cho KH&CN phải gấp đôi đầu tư từ ngân sách nhà nước. Doanh nghiệp sẽ là trụ cột cùng với nhà nước san sẻ và gách vác đầu tư cho khoa học.


Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết: Trong đề án trình Thủ tướng Chính phủ tới đây, Bộ KH&CN đề xuất các doanh nghiệp sẽ phải trích 10% lợi nhuận trước thuế dành cho đầu tư KH&CN.


Thực tế cho thấy, đã có những doanh nghiệp tiên phong trong việc tích cực đầu tư cho nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất. Tiêu biểu là Tập đoàn Viễn thông Quân đội Vietel mỗi năm dành khoảng 10% lợi nhuận trước thuế (tương đương 2.500 tỷ đồng) đầu tư cho nghiên cứu khoa học. Vietel đã thành lập được một Viện nghiên cứu KH&CN riêng biệt đồng thời chế tạo thành công tổng đài mạng thay thế thiết bị nhập khẩu góp phần tiết kiệm chi phí…


Một điển hình khác là công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông cũng rất chú trọng đầu tư cho KH&CN. Hàng năm doanh nghiệp này cũng dành một khoản kinh phí tương đối lớn khoảng 20% lợi nhuận trước thuế cho nghiên cứu KH&CN. Tiếp đó, Rạng Đông cũng đã thành lập một trung tâm nghiên cứu quy mô, chế tạo thành công nhiều sản phẩm công nghệ làm lợi cho người tiêu dùng, giảm chi phí sản xuất... Những tín hiệu đáng mừng ấy đang tạo đà cho KH&CN phát triển, và doanh nghiệp nào quan tâm, chú trọng đến KH&CN, lấy KH&CN làm nền tảng phát triển thì doanh nghiệp đó sẽ đứng vững.


Nhận định về đường lối chính sách, các bộ luật và văn bản quy phạm pháp luật về KH&CN, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng, cần phải chỉnh sửa, bổ sung và ban hành mới cho phù hợp với thực tiễn sản xuất và đời sống xã hội, trong đó cơ chế dành cho nhà khoa học sẽ là yếu tố then chốt tạo động lực cho KH&CN phát triển. Bên cạnh yếu tố có cơ chế ưu đãi mà không có môi trường làm việc tốt và được sử dụng hợp lý, điều này cũng sẽ không giữ được chân người giỏi trong các cơ quan nhà nước và các viện nghiên cứu. Những nhà khoa học trụ lại là những người giỏi chịu đựng và nhiều đam mê, nhưng không thể giữ người giỏi bằng đam mê mà không có ưu đãi hợp lý và không có vinh danh.



Ngũ Hiệp

Thiếu hụt nhân lực chuyên môn cao về nông nghiệp

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc thu hút nguồn lực khoa học công nghệ phục vụ trong lĩnh vực nông nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, dẫn tới thiếu hụt lực lượng cán bộ khoa học trình độ chuyên môn cao, đặc biệt ở một số lĩnh vực mới, công nghệ cao (công nghệ sinh học, vắcxin,...).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN