Phát biểu tại cuộc họp Hội đồng các cố vấn khoa học và công nghệ (PCAST) của Nhà Trắng ngày 4/4, Tổng thống Biden thừa nhận AI có thể trợ giúp con người đối phó với "những thách thức khó khăn như dịch bệnh và biến đổi khí hậu", song cảnh báo công nghệ này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Do đó, ông nhấn mạnh điều quan trọng là cần "giải quyết những rủi ro đối với an ninh xã hội, kinh tế và xã hội" mà AI đặt ra. Theo quan điểm của ông, ộc các công ty công nghệ có trách nhiệm đảm bảo mức độ an toàn của các sản phẩm trước khi đến tay người dùng.
Ông nhấn mạnh phương tiện truyền thông xã hội trong thời gian qua đã phản ánh rõ những tác hại của các công nghệ mạnh mẽ đối với sức khỏe tinh thần, cảm xúc cũng như hình ảnh... của con người, đặc biệt là giới trẻ nếu không có các biện pháp bảo vệ. Nhà lãnh đạo Mỹ nhắc lại lời kêu gọi Quốc hội nước này thông qua luật về quyền riêng tư, theo đó áp đặt các "giới hạn nghiêm ngặt" đối với dữ liệu cá nhân mà các công ty công nghệ thu thập, cấm quảng cáo nhắm vào trẻ em, đồng thời ưu tiên cân nhắc khía cạnh sức khỏe và an toàn trong quá trình phát triển sản phẩm.
AI đang trở thành “cơn sốt” trong giới công nghệ, đặc biệt sau khi công ty OpenAI tung ra các công cụ ChatGPT và GPT-4. Công nghệ tiên tiến này chứng tỏ tiềm năng thay đổi cuộc sống của nhiều người lao động, nhưng cũng được cho là “con dao hai lưỡi”, đặc biệt là đối với trẻ em. Các nhà khoa học và chuyên gia công nghệ lo ngại rằng nếu phát triển một cách không kiểm soát, hoặc được lập trình với mục đích không đúng đắn, AI có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho con người và xã hội.
Tháng trước, tỷ phú Mỹ Elon Musk và nhóm gồm hàng nghìn chuyên gia công nghệ hàng đầu đã ký lá thư gửi Liên hợp quốc cảnh báo về nguy cơ AI phát triển không kiểm soát. Nhóm đạo đức công nghệ Trung tâm AI và Chính sách kỹ thuật số của Mỹ mới đây đã yêu cầu Ủy ban Thương mại liên bang ngăn OpenAI phát hành các phiên bản thương mại mới của GPT-4 - sản phẩm công nghệ có khả năng tương tự con người.