Các nhà thiên văn châu Âu ngày 17/10 thông báo đã phát hiện được một hành tinh to bằng Trái Đất quay quanh ngôi sao gần nhất so với Mặt Trời.
Hình ảnh về hành tinh "hàng xóm" của Trái Đất (bên phải) quay quanh ngôi sao Alpha Centauri B (giữa). Ảnh: Internet |
Phát hiện trên mở ra một con đường mới trong cuộc tìm kiếm các hành tinh từ các hệ mặt trời khác. Mặc dù hành tinh mới phát hiện này không giống Trái Đất vì nó nằm trong khu vực cực kỳ nóng.
Hành tinh nói trên có vị trí gần ngôi sao Alpha Centauri B, một ngôi sao trong hệ có ba ngôi sao cách Trái Đất 4,3 năm ánh sáng, nôm na là ngay sát vách Trái Đất của chúng ta.
Các nhà thiên văn phát hiện ra hành tinh này nhờ nó chuyển động chậm, khoảng 2 km/giờ, ngang với tốc độ bò của một em bé. Chuyển động này được phát hiện nhờ một thiết bị gọi là HARPS, dùng cho máy quang phổ có độ chính xác cao, lắp vào Đài quan sát miền nam châu Âu (ESO) ở La Silla thuộc sa mạc Atacama ở Chile.
Phải mất hàng trăm lần quan sát trong khoảng thời gian hơn 4 năm mới phát hiện được chuyển động của hành tinh này trong vô số các tín hiệu ánh sáng khác xung quanh.
Phát hiện trên cho thấy tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực nghiên cứu các hành tinh thuộc hệ mặt trời khác kể từ khi phát hiện ra hành tinh đầu tiên năm 1995. Từ đó đến nay, có hơn 750 hành tinh thuộc hệ mặt trời khác đã được xác nhận, nhưng chưa có hành tinh nào vừa to bằng Trái Đất vừa có thể ở được.
Hành tinh nói trên mất 3.236 ngày để quay quanh ngôi sao Alpha Centauri B, có nghĩa là nó chỉ cách ngôi sao này 6 triệu km.
Sao Alpha Centauri B và Alpha Centauri A là hai ngôi sao giống Mặt Trời. Ngôi sao thứ ba trong hệ này, Proxima Centauri, xa hơn và lạnh hơn.
Thùy Dương