Những tảng băng trôi ở Baffin Bay, đảo Greenland. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo nghiên cứu do các nhà khoa học tại Đại học Edinburgh và Đại học Zurich thực hiện, từ năm 2000 đến năm 2023, các sông băng trên toàn thế giới đã mất tổng cộng 6.542 nghìn tỷ tấn băng. Lượng băng này đủ để nâng mực nước biển lên 18 mm, tương đương 1/5 tổng mức tăng được ghi nhận trong thế kỷ này.
Các nhà nghiên cứu cho biết trung bình, các sông băng trên toàn cầu mất khoảng 273 tỷ tấn băng mỗi năm, tương đương lượng nước tiêu thụ trong 30 năm của toàn bộ dân số thế giới. Giáo sư Noel Gourmelen, chuyên gia quan sát Trái đất tại Đại học Edinburgh, nhận định rằng những con số này là lời cảnh báo rõ ràng về tốc độ thay đổi của hệ sinh thái tại nhiều khu vực trên thế giới.
Tốc độ mất băng không đồng đều giữa các khu vực. Trong khi các đảo Nam Cực và cận Nam Cực mất khoảng 2% tổng thể tích, các sông băng ở Trung Âu đã giảm tới 39%. Đặc biệt, giai đoạn 2012-2023 ghi nhận lượng băng mất đi cao hơn 36% so với thập kỷ trước đó.
Giáo sư Andrew Shepherd, chuyên gia tại Đại học Northumbria, cảnh báo rằng sự gia tăng nhanh chóng của mực nước biển đang gây ra hậu quả nghiêm trọng. Chỉ cần mực nước biển tăng thêm 1 cm, khoảng 2 triệu người trên thế giới sẽ phải đối mặt với nguy cơ ngập lụt hàng năm.
Không chỉ góp phần làm nước biển dâng cao, sự tan chảy của các sông băng còn khiến nguồn nước ngọt suy giảm nghiêm trọng. Khoảng 2 tỷ người trên toàn cầu đang phụ thuộc vào nguồn nước từ sông băng để phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất. Nhiều khu vực, đặc biệt là các cộng đồng sống tại vùng núi cao và những nơi có khí hậu khô hạn, đang đối mặt với tình trạng thiếu nước nghiêm trọng.
Ngoài ra, sông băng còn đóng vai trò quan trọng trong sản xuất điện. Tại Iceland, 70% sản lượng điện đến từ thủy điện, phụ thuộc vào nguồn nước từ băng tan. Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở dãy Andes và một số khu vực tại châu Âu như Thụy Sĩ.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature, là một phần của dự án Glambie - một chương trình khoa học toàn cầu chuyên phân tích dữ liệu về sự thay đổi của sông băng. Dữ liệu nghiên cứu được tổng hợp từ các chỉ số đo thực địa và quan sát vệ tinh bằng công nghệ quang học, radar và laser.
Sau tình trạng ấm lên của đại dương, băng tan là nguyên nhân lớn thứ hai dẫn đến mực nước biển dâng cao trên toàn cầu. Giáo sư Martin Siegert - chuyên gia tại Đại học Exeter - cho biết mức tăng gần 2 cm có vẻ nhỏ, nhưng đây chỉ là tác động từ các sông băng nhỏ, chưa tính đến các khối băng khổng lồ tại Greenland hay Nam Cực. Ông nhấn mạnh rằng nếu xu hướng này tiếp tục, hậu quả đối với môi trường sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn.
Giáo sư Gourmelen cho rằng sông băng là một "máy đo sinh học" của biến đổi khí hậu, phản ánh mức độ tác động của tình trạng nóng lên toàn cầu trong hai thập kỷ qua. Việc theo dõi diễn biến của sông băng sẽ là cơ sở quan trọng để đánh giá hiệu quả của các biện pháp giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu trong tương lai.