Smartphone lõi tứ và cuộc đua với hạ tầng viễn thông

Các loại máy điện thoại thế hệ mới, thông minh hơn, nhẹ hơn và nhanh hơn sẽ có mặt tại cuộc triển lãm điện thoại di động lớn nhất thế giới trong tuần tới. Sự xuất hiện của thế hệ smartphone này cũng đồng thời dấy lên một cuộc chạy đua tìm ra những biện pháp để ngăn mạng điện thoại không bị quá tải bởi những loại điện thoại “ngu ngốc” và nâng cao chất lượng tải dữ liệu.

LG là nhà sản xuất di động đầu tiên trên thế giới trình làng mẫu điện thoại sử dụng bộ vi xử lý lõi tứ mang tên Optimus 4X. Ảnh Internet.


Những người khổng lồ điện thoại di động như Nokia, LG và Sony đang dẫn đầu danh sách các nhà sản xuất sẽ trình làng những sản phẩm mới nhất tại Đại hội Điện thoại di động thế giới (Mobile World Congress), dự kiến khai mạc tại Barcelona, Tây Ban Nha vào thứ hai tuần tới (27/2). “Chúng ta sẽ chứng kiến một loạt điện thoại sử dụng hệ điều hành Android cao cấp với bộ vi xử lý lõi tứ (4 lõi), rất nhẹ và nhanh. Sẽ có một cuộc đổi mới hướng tới công nghệ high-end, cho phép chơi game tốc độ cực nhanh”, nhà phân tích của HIS Global Insight, Ian Fogg cho biết.

Hiện nay, hầu hết các loại smartphone đều sử dụng bộ vi xử lý lõi kép (2 lõi), trong khi bộ vi xử lý lõi tứ sẽ tăng tốc độ xử lý lên ít nhất gấp hai lần. Nhưng ngay cả khi các điện thoại thông minh trở nên thông minh hơn, với màn hình 3D hoặc camera phân giải cực cao, các nhà phân tích vẫn cảnh báo rằng, những thế mạnh của chúng khó có thể được giải phóng khi cơ sở hạ tầng mạng vẫn chưa theo kịp.

“Lõi tứ rất hữu ích khi được sử dụng cho chơi game trên điện thoại, nhưng trên thực tế, tính năng của nó đã được thổi phồng, vì công nghệ này vấp phải “nút cổ chai” là hạ tầng mạng. Nếu không được hỗ trợ của băng thông rộng, thì lõi tứ chỉ là một công nghệ không thực tế”, ông Loo Wee Teck, giám đốc trung tâm nghiên cứu khách hàng của Euromonitor cảnh báo.

Ông Magnus Rehle, tổng giám đốc công ty tư vấn Greenwich Consulting, cũng chỉ ra rằng, tình trạng quá tải mạng là “một vấn đề ngày càng nặng nề”. Theo Viện nghiên cứu Digiworld Institute, tốc độ truyền dữ liệu điện thoại di động sẽ phải tăng 33 lần từ năm 2010 đến 2020. Vì vậy mọi sự chú ý sẽ đổ về cuộc họp của lãnh đạo các công ty viễn thông tham dự Đại hội Barcelona nhằm cụ thể hoá các kế hoạch phổ cập mạng điện thoại 4G (thế hệ thứ tư).

Cũng theo ông Rehle, trong tình trạng băng thông chưa đủ như hiện nay, các chức năng của một loạt điện thoại thông minh cũng đang bị khách hàng tắt khi họ di chuyển vì lo ngại bị tính cước roaming quá cao. “Làm sao chúng ta tìm ra một hình mẫu kinh doanh mới cho dịch vụ roaming, để các điện thoại thông minh không trở thành những chiếc máy “ngu ngốc” khi chủ nhân di chuyển qua biên giới. Hiện nay, nhiều người đã tắt máy iPhone hoặc Android chỉ vì vấn đề cước phí”, ông Rehle nói.

Nghiên cứu của Greenwich Consulting cho thấy, giải phóng thị trường roaming dữ liệu chỉ riêng ở châu Âu cũng có thể mang lại khoảng 1,5 tỉ euro lợi nhuận.

Theo thống kê của cơ quan nghiên cứu truyền thông và viễn thông Informa, năm 2011, doanh số bán smartphone trên thế giới đã tăng 53,5% so với năm trước, và các điện thoại thông minh chiếm tới 34% tổng số máy điện thoại cầm tay bán ra trong năm.


Thu Hằng

Điện thoại thông minh trở thành công cụ mua sắm
Điện thoại thông minh trở thành công cụ mua sắm

Khi mua đồ trong các cửa hàng, nhiều người đã dùng điện thoại để gọi cho người thân hỏi ý kiến, hoặc truy cập Internet để tìm bài đánh giá sản phẩm cũng như so sánh giá.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN