Ngày 8/6, tại vùng
muối xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu, Hội thảo tổng kết thực hiện
dự án “Mô hình sản xuất muối chất lượng cao sử dụng vật liệu mới theo quy trình
công nghệ phơi nước” với sự tham dự của các nhà khoa học, diêm dân.
Đây là dự án mô hình sản xuất muối bằng cách trải
bạt nhựa để phơi nước, vì vậy hạt muối đạt chất lượng cao, không có tạp chất;
người sản xuất chủ động và rút ngắn thời gian thu hoạch muối được một nửa, giảm
được ngày công lao động.
Ở điều
kiện thời tiết bình thường, cách này có thể cho sản lượng đạt gấp đôi so với
cách làm muối truyền thống.
Đối với
dự án thí điểm này, dù thời tiết năm nay diễn biến bất lợi, song cũng cho thu
hoạch được 2 đợt, sản lượng đạt gấp 1,6 lần so với cách sản xuất muối truyền thống
ở cùng thời điểm, cùng địa bàn.
Tuy nhiên, các đại
biểu cũng cho rằng, mô hình này chi phí đầu tư ban đầu khá cao, trong khi người
làm muối đa số là người nghèo, hơn nữa giá muối thương phẩm luôn bất bênh nên rất
khó nhân rộng, nếu không có sự hỗ trợ vốn đầu tư cũng như bao tiêu sản phẩm của
các tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp chế biến muối.
Dự án do Chi cục
Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu triển khai thực hiện từ tháng 1/2012 đến
nay, tại xã Vĩnh Thịnh, qui mô 1 ha mặt ruộng với 25 hộ sản xuất muối tham gia.
Dự án do tổ chức GIZ của Cộng hòa liên bang Đức tài trợ kinh phí gồm: Kinh phí
tập huấn kỹ thuật, hệ thống bơm nước và bạt nhựa trãi mặt ruộng.
Bạc Liêu có hơn 3.000 ha sản xuất muối, tập
trung ở 3 huyện ven biển Đông Hải, Hòa Bình và thành phố Bạc Liêu. Sản xuất muối
ở Bạc Liêu được xem là nghề truyền thống, gắn bó với hàng ngàn hộ diêm dân. Tuy
nhiên, những năm gần đây, thời tiết bất thường, giá cả bất bênh, nên phần lớn
người sản xuất muối gặp khó khăn.
Huỳnh Sử