Theo kênh RT, các thành viên nghiên cứu thuộc Đại học Hagen, Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông Kiến thức (Leibniz-Institut für Wissensmedien), Đại học Johannes Gutenberg tại Mainz và Đại học Portsmouth. Họ đã làm hàng loạt thí nghiệm ký ức với tình nguyện viện trong nhiều lần.
Thông qua thí nghiệm, họ muốn xác nhận rằng có thể cài ký ức giả cho một người bằng các kỹ thuật và mẹo tâm lý nhất định. Các kỹ thuật này phụ thuộc chủ yếu vào khả năng gợi ý thông qua quá trình lặp đi lặp lại. Họ cũng muốn tìm hiểu xem các ký ức giả này có thể xóa bỏ ở mức độ nào.
Trong thí nghiệm mới nhất, các nhà nghiên cứu đã sáng tạo ra những câu chuyện tưởng tượng nhưng đáng tin cậy, dựa trên những sự kiện hồi nhỏ của 52 người tham gia. Các câu chuyện này lồng ghép cả những sự kiện thực đã xảy ra.
Sau đó, các nhà nghiên cứu củng cố những ký ức giả này trong tâm trí người tham gia và nói với họ rằng những chuyện đó đã thực sự xảy ra đúng như vậy.
Quá trình này lặp đi lặp lại vài lần, tới mức độ một số người tham gia cảm thấy đúng là như vậy. Khi đó, họ đã có trong đầu một ký ức giả.
Sau khi đã cài xong ký ức giả, các nhà khoa học đã tìm cách xóa bỏ ký ức đó và họ thấy cũng dễ dàng như lúc cài đặt.
Họ chỉ đề nghị các tình nguyện viên xác định nguồn ký ức và nhấn mạnh rằng có thể tạo ký ức giả thông qua quy trình nhắc đi nhắc lại nhiều lần tới mức nó thành dạng có điều kiện.
Trong một số buổi thí nghiệm, các tình nguyện viên bắt đầu mất dần các ký ức giả mà họ từng tin là hoàn toàn thật.
Khi theo dõi một năm sau đó, khoảng 74% tình nguyện viên đã mất hết ký ức giả.
Thí nghiệm này đặt ra một rủi ro với ngành tư pháp hình sự. Nhân chứng có thể bị cài ký ức giả để khai trước tòa, làm sai lệch sự thật.
Chuyên gia ký ức giả Elizabeth Loftus cho biết: “Ký ức giả có thể không quan trọng trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng ký ức chính xác lại thực sự quan trọng khi liên quan tới các vụ án pháp lý. Những chi tiết nhỏ như kẻ tình nghi có tóc thẳng hay xoăn, chiếc ô tô vượt đèn đỏ hay đèn xanh lại rất quan trọng”.