Ngày 16- 17/7 tại Đà Nẵng, UBND thành phố Đà Nẵng, Sở Thông tin và Tuyền thông Đà Nẵng phối hợp với Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế IDG Việt Nam đã tổ chức Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử năm 2014 với chủ đề “Phát triển Chính phủ điện tử: Hạ tầng thông minh, hành chính hiện đại, nâng cao mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp”.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh Trần Lê Tâm- TTXVN |
Hội thảo Chính phủ điện tử 2014đã thu hút sự tham gia của đại diện lãnh đạo các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương (CQNN) cùng các đơn vị công nghệ thông tin (CNTT) đầu ngành trên toàn quốc. Hội thảo đã đưa ra một bức tranh phát triển toàn cảnh Chính phủ điện tử tại Việt Nam; đồng thời mở ra nhiều hướng đi mới trong việc ứng dụng CNTT- viễn thông, đặc biệt là trên di động. Theo các chuyên gia CNTT, Việt Nam đang trong lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử; chủ yếu trên nền ứng dụng web (E-Government)và có xu hướng dịch chuyển dần sang nền tảng di động (M-Government) với mục tiêu cung cấp dịch vụ cho người dân mọi lúc, mọi nơi.
Đại diện Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) cho biết: Để CNTT- viễn thông thực sự hữu ích, phổ cập đến mọi ngõ ngách của cuộc sống, Viettel đang nỗ lực nghiên cứu đưa các ứng dụng CNTT- viễn thông phục vụ nhu cầu rất đa dạng trong cuộc sống. Doanh nghiệp này cũng đang góp phần di động hóa công tác điều hành của cơ quan nhà nước, mang đến nhiều lợi ích thiết thực cho cả cơ quan quản lý nhà nước như: Ứng dụng Quản lý văn bản, lịch họp, phân tích dự báo số liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành trên máy tính bảng- Ipad/điện thoại thông minh- Smartphone cho Chính phủ. Ngoài ra, với mô hình cung cấp dịch vụ công mọi lúc mọi nơi mà Viettel đưa ra, các CQNN sẽ cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, hỗ trợ người dân trong tất cả các hoạt động từ đăng ký dịch vụ, nhận kết quả xử lý hồ sơ cho đến thanh toán phí sử dụng dịch vụ, hoặc các hoạt động phản hồi ý kiến tới CQNN…
Ông Tống Viết Trung, Phó Tổng giám đốc Viettel cho biết: Việc chuyển dịch sang Chính phủ điện tử trên nền tảng di động được nhìn nhận là một giai đoạn tất yếu nhằm tối ưu và nâng cao hiệu quả điều hành của Chính phủ, tăng cường lợi ích của người dân/doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp và người dân, tính đến nay, Viettel đã có một số thành tựu, kinh nghiệm trong việc cung cấp dịch vụ CNTT-viễn thông trên nền di động như: Phát triển hệ thống bán hàng trực tuyến trên tablet phục vụ nghiệp vụ bán hàng cho cán bộ công nhân viên Vinamilk; Ngân hàng di động-Bankplus; dịch vụ giám sát phương tiện vận tải; thanh toán qua thẻ; ứng dụng di động (Ipad/Tablet) phục vụ công tác khám chữa, điều trị bệnh…
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, những con số ấn tượng như: Tốc độ tăng trưởng về di động và điện thoại thông minh tại Việt Nam ở mức cao trên thế giới, số lượng người dùng smartphone tăng nhanh trên 40%/năm, số lượng thuê bao di động (2G; 3G) khoảng 132 triệu thuê bao… đã khiến Việt Nam trở thành một thị trường tiềm năng trong việc dịch chuyển cung cấp ứng dụng trên di động và nâng cao hiệu quả điều hành của cơ quan nhà nước, giúp người dân tiếp cận thông tin kịp thời, nhanh chóng và minh bạch.
Với mục tiêu làm bùng nổ thị trường CNTT tại Việt Nam bằng việc phổ cập hóa dịch vụ, đưa CNTT- viễn thông vào mọi ngõ ngách của đời sống, Viettel đã mang đến những cách làm khác biệt: xây dựng và triển khai giải pháp ứng dụng/dịch vụ lĩnh vực Chính phủ điện tử theo từng giai đoạn; lấy người dân là trung tâm để phục vụ và đáp ứng giao dịch công mọi lúc, mọi nơi; kết hợp các giải pháp với những lợi thế vượt trội: gần 240.000 km cáp quang, 57.000.000 thuê bao di dộng; hơn 56.000 trạm phát sóng di động, phủ tới từng thôn xã trên toàn quốc và mạng 3G lớn nhất Việt Nam.
Minh Phương