Nga lên chương trình đại tu chiến hạm Rạng Đông

Năm 2014, chiến hạm Rạng Đông (Aurora) – biểu tượng huyền thoại của Hải quân Nga – sẽ được kéo tới xưởng đóng tàu “Severnaya Verf” để đại tu. Quan trọng hơn nó vẫn là chiếc tàu bảo tàng để đón du khách.

Chiến hạm Rạng Đông. Ảnh: Internet


Lần cuối cùng chiến hạm Rạng Đông được đại tu là vào giữa thập niên 1980 và đáng lẽ chiếc tàu đã phải đưa đi đại tu ít nhất là 2 lần nữa song do nhiều nguyên nhân việc này không được thực hiện.

Thuyền trưởng tàu, ông Dmitry Kantaev cho biết lần đại tu trước được thực hiện rất chất lượng vì thế nay chỉ cần nâng cấp và hiện đại hóa các hệ thống để đảm bảo tàu hoạt động như một viện bảo tàng. Ông Kantaev giải thích: “Hệ thống phòng chống cháy nổ sẽ được thay mới. Thay các hệ thống cấp và bơm nước lên boong. Máy phát điện diesel và hệ thống lái sẽ được thay thế”.

Người ta đã từ bỏ ý tưởng đưa tàu trở lại hoạt động, vì nếu như vậy, ý nghĩa lịch sử của chiến hạm Rạng Đông sẽ không còn. Trước đó có thông tin cho biết Nga lên kế hoạch biến chiến hạm Rạng Đông thành tàu huấn luyện. Giám đốc Bảo tàng hải quân trung ương Nga Ruslan Nekhay cho rằng cần khôi phục các hệ thống và thiết bị cơ khí lịch sử của tàu. Ông Nekhay nhấn mạnh: “Trên chiến hạm Rạng Đông có một số hệ thống và thiết bị cơ khí nguyên bản, là biểu tượng lịch sử của ngành đóng tàu Nga. Ví dụ hệ thống điều khiển của công ty Siemens, hệ thống liên lạc của Ericsson. Có thể nói đây từng là chiến hạm tiên phong của Hải quân Nga”.

Để phục chế những hiện vật này, nhân viên bảo tàng đã đưa ra toàn bộ giấy tờ lịch sử của con tàu. Ví dụ người ta có kế hoạch phục chế phòng quân y, lần đầu tiên được trang bị cho tàu Hải quân Nga, bằng máy rơn-ghen. Khoảng hơn 300 hiện vật trên chiến hạm trong thời gian đại tu sẽ được bảo quản tại Bảo tàng Hải quân, và sau đó đưa trở lại con tàu.

Tư lệnh Hải quân Nga Viktor Chirkov cho biết việc sửa chữa sẽ được tiến hành hệt như 30 năm trước, do các chuyên gia của xưởng Severnaya Verf thực hiện. Họ sẽ tháo dỡ con tàu, khôi phục tất cả các chi tiết bị mất và thậm chí là cạo 26 lớp sơn được sơn hàng năm nhân Ngày Hải quân Nga.

Sau khi đại tu con tàu huyền thoại sẽ quay trở lại neo đậu bên bờ thành phố St Petersburg. Việc kéo tàu đi sửa cũng là một tiến trình phức tạp và nay đang được chuẩn bị. Ông Chirkov nói: ‘Chúng tôi đã tiến hành các nghiên cứu thủy văn, tính tất cả các số liệu, để chuyển chiến hạm an toàn”.

Hiện vẫn chưa rõ Nga chi bao nhiêu cho dự án này tuy nhiên theo một số tính toán nó có thể lên tới 7 tỷ rúp (214,19 triệu USD). Tuy nhiên chỉ huy Hải quân Nga cho rằng tài chính sẽ không là vấn đề.

Thời gian để kéo chiến hạm Rạng Đông đi sửa vẫn chưa được xác định, song khi đó người dân và du khách ở St. Petersburg sẽ được chứng kiến một hiện tượng thú vị: Chiến hạm Rạng Đông đi dọc sông Neva.

Chiến hạm Rạng Đông được đặt lườn vào tháng 9/1896, và hạ thủy vào tháng 5/1900. Tàu có chiều dài 126,8m, rộng 16,8m, có thể đạt tốc độ 19,2 hải lý/giờ, và đã đi được gần 4.000 hải lý. Trong thời gian được đưa vào phiên chế của Hải quân Sa hoàng, chiến hạm Rạng Đông được trang bị 8 đại bác 152 li, 24 đại bác 75 li, 8 pháo 37 li và 2 pháo 63,5 li. Ngoài ra, chiến hạm này còn được trang bị 3 ống phóng ngư lôi đường kính 381mm. Con tàu bị loại khỏi phiên chế của Hải quân Nga năm 2010, và thủy thủ đoàn rời tàu tháng 10/2012.

Chiến hạm Rạng Đông đã tham gia trận đánh đầu tiên trong giai đoạn chiến tranh Nga-Nhật (1904-1905).

Khi đó, mặc dù bị trúng đạn 18 lần, 99 thủy thủ thiệt mạng và bị thương, song Rạng Đông đã vượt qua vòng vây của tàu chiến Nhật Bản để đến Philippines, sau đó tới Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh), chuyến đi đầu tiên của chiến hạm đến Việt Nam, và cuối cùng quay về nước Nga.

Ngoài ra, Rạng Đông còn tham gia chiến đấu ở Baltic trong Chiến tranh thế giới thứ nhất.

Đặc biệt, chiến hạm Rạng Đông đã đi vào lịch sử nước Nga và nhân loại khi nổ phát súng đầu tiên vào tháng 10/1917, phát tín hiệu bắt đầu cuộc khởi nghĩa vũ trang và tấn công Cung điện Mùa Đông trong Cách mạng tháng Mười Nga.

Sau Cách mạng tháng Mười, tuần dương hạm đã được sử dụng làm tàu huấn luyện, đồng thời tham chiến trong cuộc chiến chống phát xít Đức ở ngoại ô Leningrad (nay là St. Petersburg).

Từ năm 1948, chiến hạm Rạng Đông được neo đậu trên sông Neva ở St. Petersburg và trở thành một chi nhánh của Bảo tàng Hải quân Trung ương.

Trong sổ lưu niệm của tàu có lưu bút của các nhà lãnh đạo Việt Nam như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng và nhiều nhà lãnh đạo khác.



Duy Trinh
"Rạng Đông" - chiến hạm số 1 của Nga
"Rạng Đông" - chiến hạm số 1 của Nga

Trong những ngày này, chiến hạm huyền thoại mang tên "Rạng Đông" (Aurora) của Nga đánh dấu 110 năm ngày được đưa vào thành phần hạm đội tàu chiến của nước này (ngày 29/7/1903).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN