Liên kết nhà trường với doanh nghiệp để đào tạo chuyên gia giỏi về an ninh mạng

Sự hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp công nghệ về an toàn thông tin cùng với hỗ trợ từ nước ngoài được coi là hình mẫu về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về an toàn, an ninh mạng.

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng chia sẻ về sự hợp tác và khai giảng lớp học về ứng cứu sự cố an toàn, an ninh mạng.

Ngày 16/1, Viện Công nghệ thông tin và truyền thông (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) đã ký kết hợp tác nghiên cứu công nghệ cao và đào tạo an ninh mạng với Tập đoàn công nghệ BKAV.

Ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Việc hợp tác giữa một trường đào tạo hàng đầu về công nghệ và doanh nghiệp công nghệ số là hành động cụ thể thực hiện Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ATTT giai đoạn 2021-2025” (còn được gọi là đề án 21) vừa được Thủ tướng thông qua vào ngày 6/1/2021. Đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng trên không gian số thì nhân lực có vai trò quyết định. Do đó, muốn thành công phải bắt đầu từ trường đại học.

PGS.TS. Tạ Hải Tùng, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin và truyền thông (SoICT) cho biết: "Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia và Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030 được Chính phủ thông qua gần đây đều nhấn mạnh ý nghĩa sống còn của phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó, vấn đề an toàn thông tin, an ninh mạng có ý nghĩa then chốt".

Hiện Việt Nam có 8 cơ sở đào tạo về an toàn thông tin, an ninh mạng; trong 5 năm qua đào tạo hơn 1.500 cử nhân, kỹ sư về an toàn thông tin. “Số lượng không quá thiếu trầm trọng so với thế giới nhưng chất lượng cần được nâng cao. Để cho sinh viên tập dượt trên hệ thống đảm bảo an toàn thông tin hiện đại cần rất nhiều chi phí nên sự hợp tác của doanh nghiệp công nghệ số giúp sinh viên ngay từ năm thứ nhất sẽ được làm quen, ứng dụng trên thực tế”, ông Tạ Hải Tùng nhấn mạnh.

Còn theo PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, mô hình hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp công nghệ số với sự hợp tác của nước ngoài là hình mẫu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về an toàn thông tin, an ninh mạng hiện nay. Mô hình này đáp ứng phần lớn mục tiêu Đề án 21. Từ sinh viên được trải nghiệm thực tế ngay từ năm thứ nhất, từ phòng nghiên cứu sẽ đào tạo được những chuyên gia giỏi trong 5-10 năm tới.

Trong giai đoạn đầu, hai bên sẽ hợp tác phát triển trí tuệ nhân tạo AI. Cụ thể phát triển công nghệ, thuật toán nhận dạng, xác thực, phân tích hình ảnh sử dụng trí tuệ nhân tạo; cung cấp nền tảng mở AI View Platform cho các cá nhân, đơn vị, tổ chức cùng phát triển ứng dụng trên nền tảng này.

Về đào tạo, đôi bên sẽ hợp tác xây dựng chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao về an toàn không gian số, đào tạo chuyên gia với chuyên môn sâu, hướng tới hợp tác xây dựng Học viện An ninh không gian số (Cyber Security Academy) đầu tiên tại Việt Nam.

Sinh viên học ngành an ninh mạng sẽ được học lý thuyết với các chuyên gia giỏi nhất trong lĩnh vực, được thực hành trên hệ thống diễn tập tiên tiến của BKAV và được thực tập tại các đơn vị cung cấp dịch vụ phòng chống tấn công và đảm bảo an ninh mạng trong và ngoài nước.

Ngay sau buổi lễ ký kết là lễ khai giảng khóa học ứng cứu sự cố an toàn an ninh mạng với sự tham gia của gần 40 cán bộ từ hơn 20 công ty và tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam. Học viên sẽ được các đơn vị giảng dạy trên hệ thống diễn tập của BKAV và DuDuIT (Hàn Quốc) tài trợ thông qua dự án KOICA IBS.

Mục tiêu cụ thể của Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin giai đoạn 2021-2025” gồm tổ chức 6.000 lượt đào tạo ngắn hạn về kiến thức, kỹ năng an toàn thông tin của người dùng cho các công chức, viên chức và người lao động có sử dụng thiết bị công nghệ thông tin khi làm việc của các cơ quan, tổ chức của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế của nhà nước. Đồng thời, lựa chọn và tổ chức đào tạo 200 chuyên gia an toàn thông tin để bảo vệ cho các hệ thống thông tin của Đảng và Nhà nước; đưa 150 giảng viên, nghiên cứu viên đi đào tạo, bồi dưỡng cập nhật về an toàn thông tin ở nước ngoài, trong đó có tối thiểu 70 tiến sĩ; đào tạo 5.000 thạc sĩ, kỹ sư, cử nhân an toàn thông tin…

 

XC/Báo Tin tức
Vụ tai nạn tàu lượn gây thương vong tại Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh: Đang chờ kết luận điều tra của địa phương
Vụ tai nạn tàu lượn gây thương vong tại Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh: Đang chờ kết luận điều tra của địa phương

Theo ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch), trước dịp Tết Dương lịch 2021, Tổng cục Du lịch đã có văn bản yêu cầu các sở quản lý du lịch địa phương rà soát, đảm bảo an toàn cho du khách tại các khu, điểm du lịch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN