Cuộc đua giành thị phần
Từ cuối năm 2012, phương thức liên lạc mới với ứng dụng tin nhắn (hình ảnh, văn bản, âm thanh), gọi điện, chát, trò chơi miễn phí trên nền mạng di động (gọi tắt là OTT: Over - The – Top) bắt đầu bùng nổ. Chỉ cần kết nối internet và 3G, người dùng có thể “tám” thoải mái mà không tốn phí. Theo các nhà cung cấp ứng dụng, OTT được kỳ vọng tạo ra các hình thức kinh doanh hiệu quả nhờ xác định được khả năng chi tiền cho sản phẩm, nhu cầu giải trí, mua hàng trên mạng, hay quảng cáo đến đúng đối tượng…
IDG cũng thừa nhận vấn đề này và dự báo dịch vụ OTT là một trong những xu hướng chính của thị trường công nghệ từ năm 2013. Bởi hiện nay, các nhà cung cấp OTT đang thâm nhập mạnh mẽ vào vị thế mạnh của nhà mạng viễn thông, mà điểm nhắm tất yếu là quảng cáo trên di động. Vì thế, xu hướng là các công ty OTT sẽ tìm kiếm liên minh với các nhà mạng thay vì lâu nay đối đầu trực tiếp.
Có thể thấy, Viber và WhatsApp là 2 ứng dụng đã xuất hiện rất lâu ở nước ngoài và nó trở thành “cơn lốc” lan toả trong cộng đồng tại Việt Nam vào năm 2012. Tuy nhiên, WhatsApp không được phổ biến hơn Viber do ứng dụng này phải mua. Vì thế, Viber được người dùng Việt Nam chọn nhiều nhất, ngay cả khi Viber chưa có phiên bản tiếng Việt. Đến nay, số lượng người dùng Việt Nam được Viber công bố khá ấn tượng là hơn 3,5 triệu người.
Tương tự, ứng dụng Line, KakaoTalk cũng đều cán mốc hơn 1 triệu người dùng chỉ sau một thời gian ngắn vào Việt Nam. Hai ứng dụng này có cơ hội lấn sân hơn vào thị trường ứng dụng OTT thông qua việc đẩy mạnh phiên bản tiếng Việt và các hoạt động quảng cáo trên truyền thông đại chúng.
Không chịu đứng nhìn “đàn em” lấn áp, mạng xã hội Facebook Messenger cũng đang dịch chuyển từ nền tảng web sang di động. Với lợi thế người dùng lớn nhất hiện nay, ứng dụng Facebook Messenger thật sự là đối thủ của tất cả các ứng dụng khác.
Không để lép vế trên sân nhà
Tuy nhiên, đáng ngạc nhiên nhất vẫn là các ứng dụng thuần Việt, đến từ các công ty trong nước như Zalo của VNG; Ola của Microgame; FPT Chat của FPT... Trong đó, Zalo được xem là cú lội ngược dòng vì chỉ trong vòng 3 tháng, ứng dụng này đã vượt mức 1 triệu người sử dụng nhờ sự tiếp cận của cộng đồng sử dụng các dịch vụ Zing lâu nay.
Chỉ trong 3 tháng, Zalo đã vượt mức 1 triệu người sử dụng |
Theo ông Vương Quang Khải, Phó Tổng giám đốc VNG, dù mới sơ khai nhưng thị trường nhắn tin, gọi điện miễn phí trong nước đang đối mặt với cuộc chiến khó khăn khi phải cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ mạnh từ các thị trường rất phát triển như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc. Bởi thực tế, họ hơn cả về trình độ công nghệ, năng lực tài chính lẫn bề dày kinh nghiệm. Tuy nhiên, vấn đề cạnh tranh không chỉ ở yếu tố công nghệ, sức hút của ứng dụng mà còn ở khả năng khai thác và kết nối cộng đồng để từ đó “phát tán” ứng dụng rộng và nhanh để chiếm lĩnh người dùng. Chính vì vậy, ứng dụng thuần Việt đang nỗ lực mở rộng thị phần theo cách đó.
Cũng theo ông Khải, lợi thế của Zalo là ngoài cộng đồng sử dụng dịch vụ Zing, Zalo còn hướng tới những thiết kế phù hợp nhất với dịch vụ thuần Việt, các sản phẩm hoạt động tốt trên cả trên môi trường mạng yếu như 2G hay 2,5G, chạy tốt trên cả các smartphone phổ thông vốn có cấu hình yếu và đang phổ biến trên thị trường.
Với những cố gắng của VNG, Zalo đã thật sự chiếm cảm tình của người dùng Việt, vượt lên cạnh tranh với những ứng dụng ngoại. Ngay đầu tháng 1/2013, Zalo đã vươn lên vị trí số 1 trên bảng xếp hạng của Apple Store dành cho các ứng dụng mạng xã hội tại Việt Nam – điều rất khó với một sản phẩm công nghệ Việt. Đầu tháng 3, chuyên trang công nghệ châu Á (Techniasia) cũng đã xếp Zalo trong danh sách 11 ứng dụng di động sáng tạo nhất châu lục.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia công nghệ cho biết, thành công của VNG mới chỉ là bước đầu và còn rất nhiều thử thách ở phía trước. Bởi sắp tới đây, Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) sẽ đưa ra chính sách quản lý phần mềm gọi điện miễn phí qua mạng Internet.
Thừa nhận vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel lo ngại: “Dịch vụ OTT đang là một nguy cơ với các doanh nghiệp viễn thông nói riêng và các ngành CNTT, truyền thông, truyền hình nói riêng. Nguyên nhân là những dịch vụ viễn thông cơ bản như điện thoại, nhắn tin và truyền hình đang chiếm đến 80% doanh thu của các doanh nghiệp viễn thông (khoảng trên 100.000 tỷ đồng/năm)”.
Tuy nhiên, các dịch vụ này lại đang được cung cấp miễn phí trên mạng, nhất là bởi các công ty nước ngoài, để từ đó kinh doanh những dịch vụ khác ngoài viễn thông. Chưa kể, các cuộc gọi , nhắn tin miễn phí qua mạng WiFi, 3G đó sẽ rất khó quản lý về mặt an ninh.
Đối phó tình trạng thất thu cước do các ứng dụng gọi điện, nhắn tin miễn phí, MobiFone và Vinaphone đã tăng giá cước dịch vụ 3G thêm 25%. Với quyết định này, các nhà mạng sẽ bỏ túi khoảng 100 tỉ đồng/tháng. Theo đó, từ tháng 4/2013, giá cước dịch vụ 3G trọn gói dành cho thuê bao Internet di động của hai nhà mạng MobiFone và Vinaphone sẽ đồng loạt tăng thêm 10.000 đồng/tháng. Cụ thể, khách hàng sử dụng gói cước Internet không giới hạn MIU của MobiFone và MAX của Vinaphone sẽ phải trả 50.000 đồng/tháng (trước đây chỉ 40.000 đồng).
Bài và ảnh: Hải Yên