Hình ảnh đã qua chỉnh sửa đăng tải lên Instagram nhiều khi rất khác với thực tế.
|
Theo CNN, trong nghiên cứu có tên “Trạng thái tinh thần”, các chuyên gia đã tiến hành khảo sát về ảnh hưởng của mạng xã hội tới sức khỏe và các vấn đề tâm lý như lo lắng, trầm cảm, tự ti về vẻ ngoài của 1.500 người trẻ độ tuổi từ 14-24.
Kết quả cho thấy YouTube là mạng xã hội có ảnh hưởng tích cực nhất, trong khi Instagram, Snapchat, Facebook và Twitter đều có những ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý người trẻ. Trong đó, Instagram – mạng xã hội với hơn 700 triệu người dùng trên toàn cầu đứng đầu danh sách các mạng xã hội gây ảnh hưởng tiêu cực nhất tới giới trẻ.
Theo tác giả báo cáo Matt Keracher, Instagram khiến phụ nữ trẻ “so sánh bản thân với các phiên bản không thực tế, phần lớn được chỉnh sửa, qua bộ lọc và được photoshop”. “Instagram dễ dàng làm cho các cô gái và phụ nữ cảm thấy cơ thể của họ không đẹp vì mọi người sử dụng các bộ lọc và chỉnh sửa ảnh để trông ‘hoàn hảo’”, một người tham gia nghiên cứu nói.
Để giải quyết vấn đề này, Hiệp hội sức khỏe cộng đồng Hoàng gia Anh đã kêu gọi các mạng xã hội hành động để chống lại những cảm giác bất an và lo lắng của người trẻ bằng cách cảnh báo về những hình ảnh đã được chỉnh sửa.
“Chúng tôi không yêu cầu những mạng xã hội này cấm photoshop hay bộ lọc ảnh mà chỉ giúp mọi người biết khi những hình ảnh này đã bị thay đổi để người dùng không coi những bức ảnh này có giá trị thật”, ông Kerachar nói. “Chúng tôi thực sự muốn trang bị cho người trẻ những công cụ và kiến thức để không chỉ có thể điều khiển mạng xã hội theo hướng tích cực mà còn thúc đẩy sức khỏe tinh thần”, ông Kerachar nói thêm.
Khảo sát kết luận rằng tuy Instagram ảnh hưởng tiêu cực tới hình ảnh cơ thể, các vấn đề về giấc ngủ, dẫn tới hội chứng sợ bị bỏ rơi (FOMO), ứng dụng chia sẻ ảnh này cũng có mặt tích cực như phát huy thế mạnh thể hiện bản thân của rất nhiều người trẻ.
Báo cáo cũng phát hiện rằng thời gian sử dụng mạng xã hội của người trẻ cũng là vấn đề đáng lưu ý. Những người trẻ dành hơn 2 giờ mỗi ngày kết nối trên các trang mạng xã hội dễ gặp các vấn đề về tâm lý, bao gồm căng thẳng tâm lý. Để giải quyết vấn đề này, các mạng xã hội nên đưa ra những pop-up cho người dùng để cảnh báo về việc sử dụng mạng xã hội quá nhiều.
Ông Simon Wessely, Chủ tịch Hiệp hội sức khỏe cộng đồng Hoàng gia Anh, cho rằng “bôi xấu” mạng xã hội không phải là cách giải quyết. “Tôi chắc chắn rằng truyền thông xã hội đóng vai trò trong cảm giác không hạnh phúc, nhưng nó cũng có nhiều mặt tích cực cũng như các mặt tiêu cực. Chúng ta cần dạy cho trẻ cách đối mặt với tất cả các mặt tốt và xấu của mạng xã hội, để chuẩn bị cho chúng hướng tới một thế giới số hóa”, ông nói.