So với năm 2018, số lượng các cuộc tấn công đã giảm, trong đó giảm nhiều nhất ở hình thức tấn công lừa đảo (Phishing). Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) nhận định: Tình hình đảm bảo an toàn, an ninh mạng tại Việt Nam đã được cải thiện. Các chiến dịch xử lý mã độc, tập huấn phòng chống tấn công mạng được Cục An toàn thông tin triển khai tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua đã phát huy hiệu quả. Ý thức phòng ngừa tấn công mạng, kỹ năng xử lý các tình huống khi bị tấn công mạng của đội ngũ kỹ sư công nghệ thông tin đã được nâng cao.
Tuy nhiên, số lượng máy tính nằm trong các mạng máy tính ma (Botnet) của Việt Nam trong tháng 5-6/2019 đã tăng hơn 1,37 triệu máy tính (so với mức hơn 850.000 máy tính nhiễm virus trong tháng 4/2019). Theo các chuyên gia an ninh mạng: Nguyên nhân dẫn đến sự tăng đột biến về số lượng máy tính trong các mạng máy tính ma là do một số mạng máy tính ma hoạt động mạnh hơn, dẫn đến gia tăng việc đánh cắp thông tin trong các ngành tài chính, ngân hàng, doanh nghiệp sử dụng thẻ thanh toán; phát tán của các mã độc mã hóa dữ liệu.
Theo Báo cáo Chỉ số an toàn an ninh mạng toàn cầu của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) cuối tháng 3/2019, Việt Nam xếp thứ 50 trên tổng số 175 hạng của 194 quốc gia trên thế giới. Năm 2017, thứ hạng của Việt Nam là 100. Trong bảng xếp hạng an toàn an ninh mạng khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam đứng thứ 11/38. Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 5/11 sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và Indonesia. Năm 2017, Việt Nam là đứng thứ 9/11.
Hệ thống giám sát của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng ghi nhận 203 triệu sự kiện an toàn mạng trong 6 tháng đầu năm 2019, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, các cuộc tấn công nguy hiểm liên quan đến mã độc trong hệ thống phục vụ Chính phủ điện tử được phát hiện tăng gấp 2 lần. Do vậy, các chuyên gia an ninh mạng cảnh báo, trong thời gian tới các đơn vị triển khai hệ thống, dịch vụ liên quan đến Chính phủ điện tử cần quan tâm chú ý công tác phòng chống mã độc.